“Tôi đề xuất thành lập một cơ quan PCTN có thực quyền”
Theo ông Nhã, vừa qua, một số hãng thông tấn nước ngoài đã nói, không biết nên buồn hay vui ở Việt Nam hiện nay, nhân dân không còn bức xúc với tham nhũng vặt. Có lẽ chúng ta phải đánh giá lại về vấn đề này, ông Nhã cũng phân vân không biết buồn hay vui. Thực tế chúng ta thỉnh thoảng cũng phát hiện một số vụ tham nhũng, nhưng không phải tham nhũng chững lại, mà là chúng ta chưa có phương sách gì mới để chống tham nhũng, kể cả sau khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) thì chúng ta vẫn là phương sách cũ, công tác PCTN vẫn không quyết liệt.
Ông Trần Đình Nhã. Ảnh. Xuân Hải. |
Thưa ông, hiện nay chúng ta đã có đầy đủ cơ quan PCTN từ trung ương đến địa phương nhưng hiệu quả chưa cao, phải chăng là do chúng ta chưa làm quyết liệt, thưa ông?
Tôi nghĩ hệ thống cơ quan, quy định đều khá đầy đủ nhưng các cơ quan nhiều, nhiều lực lượng, hô hào cũng nhiều, đã cấp tiền rồi, nhưng kết quả không như mong muốn thì chúng ta phải xem lại. Tại sao chúng ta không xem lại mô hình của chúng ta?
Tới đây Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn - một thước đo thực thi công vụ, liệu việc này sẽ có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng không, thưa ông?
Tôi nghĩ sẽ không có mấy tác dụng, vì chúng ta lấy phiếu tín nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Trách nhiệm của họ, nếu bản thân họ không tham nhũng thì không sao, nếu nghi ngờ họ tham nhũng thì anh lại không chứng minh được, cho nên những người ấy không bị đánh giá bởi Luật PCTN. Còn đấu tranh PCTN ở ngành mình, cơ quan mình thì những người này cũng hô hào rất mạnh, họ chỉ đạo, nói trên tivi mạnh, vậy đánh giá trách nhiệm của họ rất khó. Vì họ đã hô hào, nhắc nhở, cấm cán bộ của họ tham nhũng rồi, không nhận quà cáp...Tôi nghĩ, phải đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc hơn.
Việc thành lập Ban Nội chính trung ương liệu có đạt hiệu quả cao trong công tác PCTN không thưa ông?
Tôi không hoàn toàn tin tưởng khi có Ban nội chính thì cuộc đấu tranh PCTN sẽ tiến triển mới, tất nhiên việc có Ban nội chính là cần thiết để đôn đốc chỉ đạo, nhưng không phải đó là chiếc đũa thần để thấy các cơ quan nhà nước khác. Theo tôi không nên hy vọng nhiều.
Để PCTN thì Chính phủ cũng đã nhiều giải pháp, theo ông những giải pháp đó có mang lại hiệu quả trong công tác này?
Tôi nhớ năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về nhận và trả lại quà biếu, về việc này này tôi sẽ đặt lại vấn đề với Chính phủ, sau 6 năm chúng ta nhìn lại quy định mang lại hiệu quả và thực thi như thế nào.
Có những quyết định của Thủ tướng thì răm rắp, như chống pháo nổ, đội mũ bảo hiểm, các ngành các cấp vào lao vào cuộc răm rắp, có hiệu quả nhưng PCTN thì lại ứng xử bất công, nói chỉ để mà nói. Phải chăng tham nhũng đã trở thành cái gì đó thân thuộc, không đáng nói.
Theo tôi, vấn đề quan trọng là có làm hay không, trách nhiệm người đứng đầu thế nào. Vì chúng ta đôi khi cười cợt, vị nào trả lại quà biếu là nói ông này bị hâm. Quà biếu không chỉ giá trị tiền mà đó là nhân cách, thước đo của một người cán bộ cách mạng. Bác Hồ khi nhận quả cam của người dân mà còn băn khoăn, làm thơ cảm ơn, day dứt, bây giờ tại sao cán bộ lại không như vậy.
Thực tế, quyết định của Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm, số quà trả lại chẳng qua là hãn hữu, chúng ta nhận quà như một thói quen xấu, nhưng mà người trên nhận được thì người dưới nhận được. Vấn đề này, tôi sẽ nêu lại tại Quốc hội.
Ông có đề xuất thành lập một cơ quan PCTN độc lập, vì sao ông lại có đề xuất này?
Lý do tôi đề xuất thành lập một cơ quan PCTN độc lập vì đây là việc nên làm trong lúc này. Các cơ quan phân vai trong chống tham nhũng của nhà nước có đủ từ điều tra cho đến xét xử, nhưng hiệu quả không cao.
Trước nạn tham nhũng tràn lan như thế, tôi thấy cần thành lập một cơ quan đặc biệt để tấn công vào những vụ tham nhũng lớn. Không phải ta tha cho tham nhũng nhỏ mà trước mắt cơ quan này tập trung vào những vụ lớn, có tính lan tỏa, thương bất chính hạ tắc loạn, trên nghiêm thì dưới không sa vào tham nhũng. Cho nên tôi đề xuất mô hình cơ quan này do QH lập ra để bảo đảm tính độc lập, không bị chi phối bởi các cơ quan hành pháp, tư pháp khác.
Cơ quan này sẽ tập hợp lực lượng ưu tú có khả năng đánh vào những vụ tham nhũng lớn. Ngoài điều tra phát hiện tham nhũng, cơ quan này còn phải có tính chất như một cơ quan đứng đầu trong tất cả các cơ quan về PCTN. Tôi nói đây không phải cơ quan của Đảng mà là cơ quan của Nhà nước. Tôi muốn nhắc lại, vì nhiều người nhầm lẫn giữa cơ quan tôi đề xuất với Ban chỉ đạo PCTN TƯ – cơ quan của Đảng. Cơ quan của Đảng thì chỉ đạo, không có thực quyền về mặt nhà nước.
Tôi muốn có Cơ quan tôi đề xuất có thực quyền, khi cần có quyền yêu cầu các cơ quan PCTN hiện nay báo cáo, có quyền khởi tố vụ án, có thể tự mình điều tra. Mô hình này cũng không mới, nhiều nước đã có mô hình này rồi, người ta đã tương đối thành công.
Khi tôi đề xuất, nhiều ý kiến ĐBQH đồng ý nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng chưa chín. Có ý kiến đề xuất đưa cơ quan này vào Hiến pháp. Nhưng tôi nghĩ, chưa cần, vì đưa vào Hiến pháp có thể bất lợi do nghiên cứu chưa chín, làm cho thế hệ sau buồn, vì ngay đầu thế kỷ 21 khi sửa Hiến pháp đã phải đưa ngay vào mô hình cơ quan PCTN. Tôi cho rằng QH có thể lập một cơ quan độc lập về PCTN.