TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung

Sáng 22/4, tại Cung thể thao Tiên Sơn, thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, đối thoại với hơn 2.000 công nhân lao động tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 1

Các nam, nữ công nhân trẻ tuổi vui mừng vì lần đầu tiên được gặp, nói chuyện trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ. Ảnh: VGP

* Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng trọng điểm kinh tế miền Trung gồm Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng… là sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 42 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4), 131 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5) và Tháng Công nhân năm 2017.

Cách đây gần 1 năm, vào ngày 30/4/2016, tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với 3.000 công nhân, người lao động thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất 8 tỉnh, thành phố khu vực phía nam từ Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh.

7h50: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Cung thể thao Tiên Sơn, tham quan các gian hàng triển lãm tại đây và chụp ảnh với công nhân.

8h10: Thủ tướng vào hội trường. Phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ, đối thoại, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, Tết Lao động năm 2016, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân vùng kinh tế trọng điểm phía nam, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và trao đổi nhiều vấn đề về tiền lương; giá cả; nhà ở, nhà trẻ; nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa; bảo hiểm xã hội; chất lượng bữa ăn giữa ca; nâng cao trình độ nghề nghiệp...

Một năm trôi qua, Chính phủ kiến tạo, phục vụ đã hành động quyết liệt để giải quyết nhiều mong muốn chính đáng của công nhân. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ tiếp tục có quy định về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, tăng mức lương cơ sở năm 2017; yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng mức xử phạt với các trường hợp nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đặc biệt mới đây, Thủ tướng đã ký phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" v.v... Những quyết sách của Chính phủ là niềm tin, là động lực để công nhân Việt Nam tiếp tục khẳng định là lực lượng sản xuất cơ bản, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Đã có hơn 201.669 sáng kiến được công nhận với tổng giá trị làm lợi trên 9.410 tỷ đồng, trong đó có hơn 70 sáng kiến tiêu biểu được triển lãm và 10 công nhân xuất sắc nhất được khen thưởng. Đồng thời, Tổng Liên đoàn đã ký kết với 17 doanh nghiệp triển khai chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho người lao động; chỉ đạo Liên đoàn Lao động các địa phương, ngành thực hiện các chương trình phúc lợi cho đoàn viên; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài sản của công đoàn phục vụ công nhân viên chức lao động; xây dựng bộ nhận diện Công đoàn Việt Nam; đổi mới công tác quản lý đoàn viên công đoàn; chú trọng chăm lo, bảo vệ đoàn viên, công nhân lao động.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và Tháng Công nhân năm nay, Tổng Liên đoàn tổ chức cuộc trao đổi giữa Thủ tướng chính phủ với công nhân vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung với chủ đề “Công nhân lao động đồng hành với doanh nghiệp tăng năng suất lao động; Công đoàn thực hiện “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

8h25: Thủ tướng, các vị đại biểu và công nhân lao động xem video clip về sự đóng góp của công nhân viên chức lao động trong việc xây dựng và phát triển KT-XH tại các tỉnh miền Trung và thực trạng đời sống của họ.

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 2
Thủ tướng phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ, đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

8h31: Thủ tướng phát biểu, chia sẻ với các công nhân:

"Tết Lao động 2016, tôi đã có cuộc trò chuyện với công nhân vùng kinh tế trọng điểm phía nam tại Đồng Nai. Cảm xúc của ngày hôm đó vẫn còn nguyên trong tôi. Không phải chỉ là những tình cảm yêu quý tôi nhận được từ công nhân, mà canh cánh trong lòng là trách nhiệm của tôi với công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Hôm nay, tôi rất vui mừng và rất ấn tượng vì được gặp gỡ anh chị em công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thân yêu để cùng nhau trao đổi một vấn đề rất quan trọng là công nhân lao động đồng hành với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, công đoàn thực hiện quyền lợi, bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động.

Tôi đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn được trao đổi với công nhân vì các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của công nhân chính là ý chí của công nhân, ý chí của hành động, vun đắp sự phồn vinh và trường tồn của đất nước ta.

Giai đoạn phát triển mới của đất nước yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ đã và tiếp tục có những chính sách đúng đắn, hiệu quả phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân. Quá trình này đòi hỏi chú trọng phát huy vai trò tổ chức công đoàn để đóng góp tích cực trong xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tiến bộ khoa học công nghệ phát triển rất nhanh chóng là thách thức lớn, nhưng sẽ là cơ hội nếu chúng ta chủ động và đồng tâm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.

Vấn đề phát triển trong thời đại hiện nay đòi hỏi sự tự giác hợp lực, bởi vì trí tuệ đã trở thành nguồn lực cho sự phát triển. Người lao động kỹ năng là một bộ phận cấu thành của doanh nghiệp. Người lao động trí tuệ và lao động tự giác là tài sản quý của doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng giai cấp công nhân Việt Nam luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, luôn nhanh chóng thích ứng với mọi sự thay đổi. Tôi mong các doanh nghiệp không chỉ tìm thấy người lao động là nguồn nhân lực mà còn nhận rõ hơn những giá trị cao quý hơn, một khi có nhận thức đúng, phát huy đầy đủ phẩm chất công nhân Việt Nam.

Hãy quan tâm đến người lao động bằng giải pháp việc làm, lo bữa ăn với an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, đặc biệt là lo xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân, nhất là hỗ trợ nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…

Chúng ta hãy cùng cố gắng phối hợp giữa cơ quan nhà nước, các cấp công đoàn, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp để cùng lo cho giai cấp công nhân bớt khó khăn vất vả.

Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ lần này, chúng ta sẽ có tiếng nói chung về tăng năng suất lao động. Chính phủ khuyết khích tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính phủ ủng hộ phát triển các doanh nghiệp hiện đại về công nghệ, quản trị và chính sách nhân lực. Chính phủ mong muốn mỗi người lao động phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập, không ngừng rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, vì doanh nghiệp và vì đất nước.

Tôi đang sẵn sàng chờ đợi cuộc trao đổi với anh chị em công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hôm nay. Và với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chúng ta cùng nhau trao đổi, đưa ra cam kết và bắt tay hành động mạnh mẽ hơn.

Tôi xin chúc anh chị em công nhân, những màu áo xanh tuyệt vời có mặt hôm nay mạnh khỏe, vui tươi, hạnh phúc".

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 3
Trên 2.000 công nhân lao động tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tham dự sự kiện. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

8h39: Thủ tướng bắt đầu giao lưu, đối thoại trực tiếp với công nhân.

8h40: Câu hỏi đầu tiên được gửi tới Thủ tướng từ anh Trần Ngọc Thành, công nhân Công ty Cổ phần công nghiệp nhựa tại Đà Nẵng:

Công nhân mong muốn được nâng cao năng suất lao động, là điều kiện mang lại quyền lợi ổn định cho họ. Doanh nghiệp cần có chính sách động viên công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Cháu nghĩ như vậy có đúng không? Thủ tướng giúp cháu đề nghị doanh nghiệp tạo điều kiện để mong muốn của công nhân thành hiện thực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi thấy câu hỏi rất đúng, năng suất lao động là vấn đề quan trọng liên quan đến việc tồn vong, phát triển của xã hội.

Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế với các quốc gia, châu lục. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động cũng nhiều hơn, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác. Cạnh tranh về lao động sẽ gay gắt hơn. việc nâng cao trình độ, tay nghề của công nhân lao động là hết sức thiết thực và cấp thiết.

Các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh chương trình "Nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động" gắn với Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020". Chính phủ cũng sẽ có những chính sách ưu tiên cho việc dạy nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

Các doanh nghiệp cũng phải có chính sách đào tạo riêng - đó là sự sống còn của DN. Con người là nguồn lực quan trọng. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách tác động và hỗ trợ.

Về phía các bạn công nhân, mỗi người cũng phải đối diện với quy luật cạnh tranh, có nghĩa là phải cố gắng không ngừng để giỏi hơn, có ích hơn thì mình sẽ tồn tại.

Trong thời gian tới, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, tổ chức Công đoàn, các DN phối hợp với các cấp, các cơ quan chức năng để có thể triển khai các chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân để nâng cao chuyên môn, tay nghề, như vậy mới bảo đảm công việc và được tăng lương...

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 4
Thủ tướng trực tiếp trả lời các câu hỏi, giải đáp những băn khoăn của công nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Để công nhân lao động có việc làm bền vững, xin Thủ tướng xem xét việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) dành một khoản chi cho đào tạo dài hạn, chuẩn hóa nghề nghiệp cho công nhân. (Nguyễn Đình Quyết, Công ty CP nhựa Miền Trung-KCN Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi được biết hiện nay Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tồn động lớn, vì hiện nay chủ yếu là do Quỹ mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp. Hiện mới có khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN để học nghề, chuyển đổi nghề, chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Làm sao sử dụng được quỹ này có hiệu quả là câu hỏi rất đúng. Chính vì vậy mà theo quy định của Luật Việc làm thì Quỹ BHTN được dùng để chi trả: (1) Trợ cấp thất nghiệp. (2) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. (3) Hỗ trợ học nghề. (4) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Năm ngoái khi Chính phủ mới thành lập, chúng tôi đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, chỉ rõ cần “Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao”. Do đó chúng ta tính toán lại quỹ thất nghiệp và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo dùng quỹ này chi cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN. Các cấp công đoàn cần có đề án cụ thể để sử dụng hiệu quả phần kinh phí này cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân lao động.

Người Việt Nam chúng ta rất cần cù chịu khó, sáng tạo và hiện nay nhu cầu hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp rất lớn, nhu cầu cần được đào tạo nâng cao tay nghề là rất cần thiết.

Tôi hoan nghênh câu hỏi của bạn.

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 5
Thủ tướng thăm hỏi các công nhân tham dự cuộc đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thưa Thủ tướng, năm trước ở Đồng Nai, Thủ tướng đã nhấn mạnh về an toàn thực phẩm trong bữa ăn công nhân. Ở đâu có công nhân bị ngộ độc, chủ DN phải chịu trách nhiệm. Năm nay vấn đề an toàn thực phẩm vẫn nóng bỏng, xin Thủ tướng cho biết cần phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này? (Đỗ Hữu Phước, KCN Hoà Khánh, TP. Đà Nẵng)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đúng là năm 2016 tôi đã trả lời câu hỏi này trước công nhân KCN trọng điểm phía nam về ATVSTP tại Đồng Nai.

Hiện nay ATVSTP là nỗi lo của người dân Việt Nam, mặc dù hiện nay Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn. Sau hội nghị toàn quốc về ATVSTP, nhiều cấp uỷ đã ra chỉ thị vấn đề này và đã chỉ đạo công tác VTVSTP. Có nhiều địa phương đã thành lập hẳn một ban chuyên ngành để lo vấn đề này, có địa phương đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nhập thiết bị, kiểm tra ATVSTP.

Vừa rồi Quốc hội đã giám sát tốt cao vấn đề ATVSTP, trong phiên họp nhiều tuần trước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp… đều đã báo cáo vấn đề này. Riêng bản thân tôi đã trực tiếp đi kiểm tra tại một số địa bàn trọng điểm chợ đầu mối về ATVSTP. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao Tổng Liên đoàn LĐVN đã ban hành riêng một Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, chủ động tham gia với các cơ quan chức năng, với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn ca đối với công nhân; công đoàn có thể khởi kiện giám đốc DN khi DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Tuy đã có Nghị quyết cụ thể nhưng đâu đó vẫn có tình trạng ngộ độc thức ăn trong nhân dân và đặc biệt có một số vụ ngộ độc tập thể tại các nhà máy đã xảy ra, mặc dù số lượng đã giảm đi rất nhiều so với trước đây.

Trước tình hình đó, chúng tôi nghề nghị tiếp tục thực hiện chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đề ra về vấn đề này, trong đó có mấy biện pháp: Thứ nhất, ở tất cả các địa phương phải có bộ phận kiểm tra, chỉ đạo công tác ATVSTP; thứ hai cần đầu tư nhiều hơn trang thiết bị, phương tiện, ngân sách và đặc biệt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Chính phủ, các cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục kiểm tra, để đôn đốc, nhắc nhở, lưu ý các DN chưa quan tâm hơn đến công tác ATVSTP cho công nhân. Đây là vấn đề quan trọng mà Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm.

Chúng tôi tin rằng kỳ họp Quốc hội lần này, chắc chắn giám sát tối cao về ATVSTP sẽ được chất vấn trước Quốc hội, trong đó sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân trong ATVSTP. Ông chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm, ông chủ tịch xã để lò giết mổ, thực phẩm bẩn trên địa bàn phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, người chủ doanh nghiệp càng phải chịu trách nhiệm trong vấn đề ATVSTP ở căng tin, nhà ăn của mình. Phải có cơ chế xử lý vấn đề này khi đã có hơn 1.000 vụ vi phạm ATTP trong những năm qua.

Lần này, chúng tôi đặt vấn đề phải xử lý hình sự, hành chính, những cá nhân, tập thể, người đứng đầu khi để xảy ra thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.Việc thứ hai, tôi đề nghị công đoàn các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân.

Và thứ ba, phải xử lý nghiêm những vụ vi phạm nghiêm trọng. Tất cả các điều tra, phát hiện về vi phạm ATVSTP thì thu phạt và dành nguồn đó để mua thiết bị vệ sinh an toàn tốt hơn. Và phải có chế độ chính sách đền bù thoả đáng cho những người bị ảnh hưởng bởi VSATTP. Người nào gây ra người đó chịu. Mình đã nói chủ trương rất nhiều nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra nên phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công đoàn phải tham gia bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Bữa ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn phải bảo đảm ATVSTP.

Tôi hy vọng nơi nào đó vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm ATVSTP cho công nhân thì phải giảm thiểu để bảo đảm quyền lợi cho công nhân.

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 6
Thủ tướng trò chuyện trực tiếp với một công nhân tại buổi đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thưa Thủ tướng, để góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ khuyến khích DN ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tuy nhiên, thủ tục xét duyệt, thẩm định hồ sơ còn nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, thậm chí có nơi xảy ra việc công nghệ càng mới thì thẩm định, xét duyệt càng lâu. Chính phủ có biện pháp gì để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này? (Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta phải cải cách hành chính tốt hơn, đặc biệt là thủ tục hành chính ở các cơ quan liên quan trực tiếp đến quyền lợi doanh nghiệp, nhất là một cửa liên thông hiện đại, làm thủ tục nhanh nhất, tinh thần công khai hiện đại nhất. Cải cách thủ tục để các DN có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, có điều kiện ứng dụng KHCN, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có đặt trọng tâm là cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tôi đề nghị thời gian tới, các địa phương cần quan tâm hơn vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mong các địa phương rà soát lại các thủ tục, để làm sao các thủ tục được triển khai nhanh nhất, không mất thời cơ của doanh nghiệp. Đây là vấn đề thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe doanh nghiệp. Chúng ta phấn đấu đứng trong nhóm đầu khu vực ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh.

Thưa Thủ tướng, muốn tăng năng suất lao động đòi hỏi nhiều ở công nghệ. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung Tây Nguyên có công nghệ và máy móc thiết bị lạc hậu. Chính phủ đã và sẽ có biện pháp gì để khuyến khích họ đầu tư công nghệ? (Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta đều biết KHCN quyết định sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy chủ trương của chúng ta coi KHCN là then chốt, nhất là trong tình trạng áp dụng KHCN cũng như sẵn sàng áp dụng KHCN ở Việt Nam đứng thứ hạng thấp (chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92). Đây chính là câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp, Nhà nước, với Bộ KHCN. Điều chúng tôi muốn nêu là KHCN đến từ đâu? Phải đi từ thực tiễn, đi từ sản xuất kinh doanh. Sáng nay, tôi cùng một số đồng chí đi xem những sản phẩm lao động sáng tạo của công nhân. Khi sản phẩm đó được ứng dụng vào DN thì năng suất lao động khác hẳn.

Chính vì vậy, Chính phủ khuyến khích DN tham gia đầu tư vào KHCN. Bây giờ, đã có Luật KHCN, quy định việc dành 2% ngân sách cho KHCN. Nhưng tôi cho rằng điều đó chưa có hiệu quả nhiều khi mà ở các nước chính là các DN nghiên cứu áp dụng KHCN. Cái này mới quan trọng. DN phải tìm hiểu, áp dụng KHCN tiến bộ để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Chính phủ cũng có chính sách khuyến khích áp dụng KHCN. Tôi nói ví dụ như thuế thu nhập DN, có chính sách miễn giảm thuế đối với việc nhập thiết bị để tạo nền tảng KHCN tiến bộ cũng như một số chính sách khác.

Các đồng chí thấy, doanh nghiệp Viettel dành 10% lợi nhuận để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Các DN chúng ta cũng cần dành một khoản đầu tư cho việc này. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Nhà nước với chính sách của DN là rất quan trọng. Đây là khâu quyết định để chúng ta nâng cao năng suất lao động.

Chính vì câu hỏi này, tôi đề nghị anh Trị ở Dệt may Hòa Thọ dành khoản kinh phí cho việc này tốt hơn nữa. Với điều kiện của miền Trung, KHCN còn yếu hơn các vùng khác thì cấp ủy, chính quyền, DN càng phải quan tâm hơn để đổi mới KHCN, nhất là chúng ta đầu tư vào một số lĩnh vực đang là thế mạnh của chúng ta, ví dụ như kinh tế biển, một số sản phẩm công nghiệp chế biến như cà phê, ca cao…

Tôi mong rằng không những Dệt may Hòa Thọ mà cả các DN khác đều phải dành kinh phí, cùng với Nhà nước áp dụng KHCN, tiến bộ mới.

Tôi xin nói lại đây chính là nền tảng quan trọng để đưa năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế bền vững. Làm thủ công đơn giản, không cải tiến, năng suất thấp thì khó cạnh tranh.

Tôi mong tất cả các DN, đặc biệt hôm nay có lãnh đạo các tỉnh, chú ý hơn đến KHCN ở địa phương mình, DN mình.

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 7
Thủ tướng tham quan gian trưng bày top 10 tự hào trí tuệ Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc là trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Đối với người lao động, mặc dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng họ luôn tham gia đầy đủ các hoạt động BHXH. Đối với người sử dụng lao động, bên cạnh những doanh nghiệp tham gia thực hiện rất tốt, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng vai trò của mình. Các doanh nghiệp này nợ đóng, trốn đóng, không đóng các khoản BHXH. Và tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động chúng tôi. Chúng tôi đã không được nhận các khoản trợ cấp khi ốm đau, con ốm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đặc biệt là lao động nữ trong 6 tháng nghỉ thai sản không có tiền thu nhập, không có trợ cấp nuôi con nhỏ. Vì vậy, để bảo đảm cho quyền lợi người lao động, mong Thủ tướng có giải pháp để ngăn chặn tình trạng này? Xin cảm ơn. (Cao Thị Thắm, sinh năm 1973, Công ty giày Rieker, Quảng Nam)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cảm ơn đồng chí Thắm ở Công ty giày Rieker. Khi tôi còn làm lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Công ty giày Rieker đã có một kỷ niệm sâu sắc với chúng tôi. Đây là công ty giày lớn với quy mô công nhân đông, mà giấy phép thì được cấp chỉ trong 1 ngày. Anh em trong UBND tỉnh lúc đó mua bánh mì ăn tại chỗ để làm kịp thủ tục cấp giấy phép cho doanh nghiệp này, nhằm thu hút doanh nghiệp đến với địa phương. Và khi hình thành một doanh nghiệp lớn như vậy, thì vấn đề BHXH phải được quan tâm. Tôi đồng ý với ý kiến này.

Bởi vì, BHXH là một trong ba trụ cột chính của vấn đề an sinh xã hội ở nước ta. Chính vì vậy, sửa Luật BHXH thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh nhiều vấn đề. Trong thực tiễn, đúng như đồng chí Thắm nêu, có hàng trăm doanh nghiệp trốn nộp quỹ BHXH, không bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân.

Cho nên, Luật BHXH lần này được sửa có một số điểm thay đổi lớn, là BHXH Việt Nam có quyền thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác BHXH ở các doanh nghiệp. Đặc biệt, Công đoàn của chúng ta có quyền khởi kiện người trốn đóng BHXH, doanh nghiệp không đóng BHXH ra tòa án.

Nhân đây, tôi cũng đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân Tối cao xử lý mối quan hệ này, để khi khởi kiện thủ tục được nhanh chóng. Nếu như doanh nghiệp nào trốn BHXH thì sẽ bị xử phạt tối đa đến 3 tỷ đồng. Và người trốn không nộp BHXH bị tù tối đa 7 năm.

Những chế tài mạnh như vậy sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đóng BHXH cho công nhân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân.

Cho nên, những điểm mới trong Luật BHXH sửa đổi lần này đã tăng cường quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức công đoàn. Từ những đổi mới này, các tổ chức công đoàn có trách nhiệm, quyền hạn hơn nữa để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động khi công nhân không có BHXH. Khi người lao động trong quá trình làm việc được hưởng lương, nhưng khi người lao động lớn tuổi rồi, nghỉ hưu rồi, thì BHXH vẫn trả lương theo nhu cầu chính đáng.

Do đó, không chỉ Chính phủ, các cấp chính quyền tại địa phương, công đoàn mà chính các cơ quan BHXH đều phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật BHXH đã được Quốc hội thông qua và chúng tôi đề nghị phải thành hiện thực.

Tôi hy vọng, với sự quan tâm, giám sát, kiến nghị của công đoàn, và tinh thần thực hiện Luật mới, thì BHXH nước ta ngày càng tốt hơn, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân chúng ta trong thời gian tới.

Công nhân luôn muốn có việc làm ổn định, nhưng ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nhân độ tuổi từ 35-40 trở lên khó có cơ hội việc làm. Thủ tướng có chính sách gì để giúp công nhân bảo đảm việc làm khi còn độ tuổi lao động? (Nguyễn Ngọc Quang, Khu CN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Một thực tế hiện nay là các DN có dây chuyền hiện đại đều muốn sử dụng lao động trẻ và “né tránh” những lao động trung, cao tuổi. Lý do dễ hiểu là sử dụng lao động trẻ có lợi thế nhanh nhẹn, ít thâm niên nên sẽ không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng được sức lao động cường độ cao. Theo đó, lao động ngoài 30 tuổi với mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng dần sẽ bị sa thải.

Thủ tướng rất biết rõ vấn đề này và tập thể Chính phủ luôn lắng nghe. Cũng giống như câu hỏi đầu tiên, chúng ta phải có biện pháp khắc phục vấn đề này bằng cách nâng cao tay nghề để chứng tỏ rằng tuổi 35-40 không kém gì tay nghề trẻ, điều này rất quan trọng. Ngoài ra, Chính phủ luôn tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thị trường lao động bình đẳng, khung pháp lý phù hợp, yêu cầu các chủ doanh nghiệp thực hiện đúng luật lao động đã quy định.

Hiện nay chúng ta thực hiện rất tốt công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO liên quan đến tạo thị trường lao động tại Việt Nam hết sức bình đẳng.

Chúng tôi rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao năng suất lao động, Nhà nước và doanh nghiệp luôn mong muốn nâng cao trình độ tay nghề. Tuổi 40 có tay nghề tốt thì vẫn được trọng dụng, chứ làm chậm hơn người trẻ thì làm sao cạnh tranh được.

Vòng đời lao động của một người có mấy chu kỳ chứ không phải 1 chu kỳ, 1 nghề. Việc học tập để có nhiều nghề mới cũng rất quan trọng để lao động thích nghi được với môi trường làm việc. Khi đó sức lao động sẽ được tận dụng theo độ tuổi.

Nhân đây tôi muốn nói dù ở độ tuổi nào thì Nhà nước, thể chế pháp luật luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Một khi người lao động nâng cao ý thức lao động để nâng cao năng suất, phù hợp với yêu cầu công việc thì khi đó không còn phân biệt tuổi tác. Dù ở độ tuổi 40 hay 50 mà có năng suất lao động tốt thì vẫn hoan nghênh. Pháp luật ủng hộ thể chế này.

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 8
Thủ tướng xuống tận nơi trao đổi với chị Phan Thị Tuyết Sương, một công nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn sống tại TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

9h13: Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, công nhân Công ty HBI Việt Nam (Thừa Thiên-Huế) đã làm trong ngành may mặc hơn 25 năm, chưa bao giờ được gặp và tiếp xúc với các vị lãnh đạo cấp cao. Lần đầu tiên được gặp Thủ tướng, chị cho biết rất bồi hồi xúc động và mong được lại gần Thủ tướng hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xuống tận nơi bắt tay và hỏi thăm gia đình chị Thảo.

Hiện nay, công nhân lao động nữ khá hài lòng với những chính sách của Đảng và Chính phủ dành cho. Tuy nhiên, sắp tới, bộ luật lao động sửa đổi, thì liệu chính sách cho lao động nữ có được duy trì hay bổ sung thêm sự quan tâm mới nào không? (Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, công nhân Công ty HBI Việt Nam, Thừa Thiên-Huế)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lao động nữ Việt Nam có vai trò quan trọng. Chúng ta biết, trong tổng số lao động ở Việt Nam, đến 50% là lao động nữ. Bên cạnh công việc, lao động nữ có nhiều mối lo làm mẹ, trách nhiệm với các con, các cháu và gia đình. Vai trò phụ nữ rất quan trọng và vấn đề bình đẳng giới ở nước ta bao giờ cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Do đó, Luật Lao động sửa đổi bổ sung đã có một số quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ như chế độ thai sản, chế độ đối với lao động cho con bú, và nhiều chế độ liên quan khác.

Sắp tới đây, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, bổ sung bảo vệ quyền lợi của người lao động là nữ.

Các tổ chức công đoàn cần phải trước hết thực hiện tốt các quy định của Luật Lao động, và tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung những điều còn thiếu, cùng tham gia xây dựng và triển khai thực hiện chính sách lao động nữ. Chúng tôi nghiên cứu, vận dụng đưa vào nghị quyết, quyết định nếu điều đó là đúng đắn.

9h20: Chị Phan Thị Tuyết Sương, Công ty Điện máy Foster, Khu Công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng đăng ký câu hỏi giao lưu với Thủ tướng. Đây là công nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn, là mẹ đơn thân có 2 con, sống tại Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về thu nhập và nguyện vọng, chị Sương trả lời mức lương của chị hiện nay là 3-4 triệu/tháng tùy tháng đó có tăng ca hay không. Nguyện vọng của chị là hiện nay chưa có nhà ở, mong muốn có được 1 chỗ ở ổn định.

Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều công nhân hiện nay. Thủ tướng đã đề nghị tặng 1 tỷ đồng cho Quỹ Mái ấm công đoàn hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Riêng chị Sương do chưa có chỗ ở nên Thủ tướng cũng đề nghị tặng cho gia đình chị Sương 1 căn hộ.

Công nhân chúng tôi đang rất phấn khởi trước thông tin Thủ tướng đã phê duyệt Đề án về xây dựng các thiết chế công đoàn. Công nhân mong ước điều này sẽ sớm thành hiện thực. (Chị Phan Thị Tuyết Sương, Công ty Điện máy Foster , Khu Công nghiệp Hòa Cầm Đà Nẵng)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Câu hỏi của chị rất thời sự, Đề án về xây dựng các thiết chế công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất. Tôi được báo cáo hiện trong số 2,7 triệu lao động của 344 KCN-CX trên cả nước thì có hơn 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng. Vấn đề đặt ra là nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế, hỗ trợ pháp luật cho công nhân lao động hết sức bức thiết. Do đó, chúng tôi lập tức nghiên cứu và phê duyệt.

Theo đó Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan chung tay xây dựng các khu thiết chế phục vụ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn tại các KCX-CX gồm: Thiết chế về nhà ở, Nhà văn hóa, Thư viện, Nhà trẻ, Trung tâm hỗ trợ pháp lý pháp luật cho công nhân nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân.

Tôi đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với Công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân. Tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, đời sống công nhân được tốt hơn với mong muốn công nhân được lao động lâu dài tại doanh nghiệp, chung tay xây dựng đất nước.

TOÀN CẢNH: Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động miền Trung - ảnh 9
Thủ tướng trao tặng 20 "Mái ấm Công đoàn" cho những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khu vực miền Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thay mặt các công nhân, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng đối với giai cấp công nhân và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng để Tổng Liên đoàn Lao động đồng hành với Chính phủ chăm lo cho đời sống của người lao động.

Theo Chinhphu.vn

Xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số

Nhằm tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, “Sáng kiến công nghệ bao trùm” giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy xã hội công bằng và bền vững.

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Đang cập nhật dữ liệu !