Toàn cảnh quy hoạch sân bay Long Thành tương lai và khu đất hiện tại
Toàn bộ cảng hàng không Long Thành khi đã hoàn thành. |
Trước tình trạng quá tải tại Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, Bộ Giao thông vận (GTVT) đã đưa ra chủ trương xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành – huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Bộ GTVT cũng cho biết đây không phải là chủ trương mới, bởi trước đó vào năm 2005 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vị trí Cảng hàng không này.
Ảnh giai đoạn 1 của dự án. |
Với mức đầu tư 18,7 tỉ USD, dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (đến năm 2025) sẽ đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2 (đến năm 2030) nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3 (sau năm 2030) nâng công suất lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Thêm một lý do được đề cập là các quy hoạch hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ khu vực kinh tế trong điểm phía Nam hoàn toàn phù hợp với giao thông kết nối giữa sân bay này với TP.HCM (3 đường cao tốc: Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu. 1 đường sắt: Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây).
Vị trí xây dựng sân bay Long Thành (khung viền đỏ) nhìn từ bản đồ vệ tinh.Ảnh: Google map |
Bên cạnh đó báo cáo cho rằng khu vực được lựa chọn xây dựng sân bay Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp. Mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cung cấp vật liệu.
Cũng theo bộ GTVT thì nơi này còn đảm bảo có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000 ha).
Theo điều tra của UBDN tỉnh Đồng Nai, trong khoảng 5.000 ha dự định xây dựng sân bay Long Thành có 3.042ha của cá nhân, 1.885 ha của tổ chức,72 ha sông suối.
Khi xây dựng sẽ có 4.541 hộ với 14.462 nhân khẩu, 25 tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó có 3.574 hộ bị giải tỏa trắng. Tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án vào khoảng 18.500 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Vĩnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, chủ trương của tỉnh là giải tỏa một lần 5.000 ha. Tuy nhiên phần đất chưa sử dụng có thể giao cho người dân, tổ chức trồng cây ngắn ngày và thu hồi dần theo các giai đoạn của dự án để tránh lãng phí.
Bộ GTVT cho rằng dự án sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Đồng Nai và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam vì việc phát triển mạng lưới dịch vụ hàng không sẽ làm tiền đề cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác, đặc biệt là công nghệ cao. Song song đó, việc phát triển sân nay này cũng hình thành nên khu vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, cơ cấu lại nguồn lao động. Theo tính toán, sân bay Long Thành sẽ tạo công việc cho khoảng 200.000 lao động.
Khu đất dành cho dự án sây bay Long Thành hiện tại. |
Ngày 3/10 vừa qua Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã họp và có báo cáo thẩm tra sơ bộ. Theo đó Thường trực ủy ban cho rằng: Báo cáo đã đáp ứng được bước đầu những nội dung chủ yếu theo yêu cầu của giai đoạn lập báo cáo đầu tư.
Tiếp theo ngày 8/10 vừa qua Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi nghe báo cáo đã thống nhất chủ trương trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp lần này.
Tuy nhiên trong kỳ họp Quốc hội lần nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi ông Trương Văn Vở cho biết đa số cử tri tỉnh Đồng Nai chờ đợi dự án này, thì một số đại biểu khác lại đề cập đến lo ngại về mức vốn và hình thức đầu tư, đặc biệt trong thời điểm nợ công của nước ta đang tăng nhanh.
Khi được hỏi về dự án này, ông Dương Trung Quốc – ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Tôi nghĩ rằng dự án không thuận lợi ở chỗ chúng ta mất lòng tin, cho nên ai cũng nghi ngờ cả. Sự phản biện, đưa ra giả thiết phản đề là cần thiết, nhưng lòng tin lại càng cần thiết hơn”.