Tòa án Tối cao Mỹ từ chối xem xét 'quyền bí mật nguồn tin' của nhà báo
Lý luận của James Risen được viện dẫn theo Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ (First Amendment), theo đó, công dân có quyền tự do ngôn luận và bảo vệ nguồn tin bí mật của mình.
Nhà báo James Risen: "Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu" |
James Risen, một nhà báo đã từng đoạt giải Pulitzer danh giá, người đã nhiều lần từ chối cung cấp cho tòa án Mỹ về các nguồn tin đã giúp ông viết một cuốn sách hồi năm 2006 nhằm kết tội Jeffrey Stirling, một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Mỹ, người được cho là đã cung cấp nguồn tin cho Risen.
Cuốn sách của nhà báo Risen, với tựa đề “Nhà nước của chiến tranh: Bí mật lịch sử của CIA và chính quyền Tổng thống Bush”, đã phơi bày sự lạm dụng quyền lực và những góc tối của CIA mà ông đã phát hiện ra.
Đặc biệt, trong chương 9 của cuốn sách đã tiết lộ những nỗ lực của CIA để mua chuộc một nhà khoa học của Liên Xô cũ nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran.
Nhiều tranh cãi được trình bày trong cuốn sách của Risen đã khiến Bộ Tư pháp Mỹ vào cuộc. Họ đã tìm kiếm các thông tin trong danh bạ, tài khoản tín dụng và tài khoản ngân hàng để truy ra mối liên hệ giữa Risen và ới một cựu nhân viên CIA, Jeffrey Stirling.
Sau đó, Jeffrey Stirling, đã bị cáo buộc vi phạm Luật Gián điệp và làm rò rỉ những thông tin về chương trình chống lại Iran với nhà báo Risen.
Năm 2010, Sterling đã bị truy tố với 10 tội danh có liên quan tới cuốn sách của Risen, trong đó có tội danh lưu giữ và trao đổi thông tin quốc phòng trái phép.
Risen đã nhiều lần bị tòa án các cấp ở Mỹ triệu tập, yêu cầu cung cấp lời khai và đứng ra làm nhân chứng chống lại Stirling nhưng ông đều im lặng và từ chối.
Tuần trước, Tổng chưởng lý Eric Holder đã nói với một nhóm các chuyên gia truyền thông cao cấp rằng sẽ không có nhà báo nào bị giam giữ vì thực thi nhiệm vụ thu thập thông tin của mình.
Tuy nhiên, gần đây nhất, tòa phúc thẩm đã phán quyết rằng sẽ không có bất cứ “đặc quyền phóng viên” nào. Theo lập luận của cơ quan này, Tu chính án Thứ Nhất không bảo vệ một phóng viên bị buộc phải làm chứng về "hành vi tội ác mà các phóng viên đích thân chứng kiến hoặc tham gia vào".
Điều đó có nghĩa là Risen sẽ phải tuân thủ yêu cầu của tòa phúc thẩm, đứng ra làm chứng chống lại Stirling hoặc bị bắt giam.
Theo Reuters, từ hồi mùa hè năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ đã cam kết thắt chặt những quy chế xử lý đối với các nhà báo trong các vụ rò rỉ thông tin.
Trả lời các cơ quan thông tấn, nhà báo Risen đáp lại rằng ông không thể bị ép buộc phải làm chứng. “Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu”, Risen khẳng định trong email gửi tòa soạn Washington Post.
Phán quyết này đang gây ra phản ứng trong cộng đồng truyền thông Mỹ. Nhiều tổ chức thông tấn bao gồm Reuters America LLC, đơn vị sở hữu Tập đoàn Thomson Reuters, đã tham gia vào một liên minh để bảo vệ cho nhà báo Risen.
Bài viết được thực hiện dựa trên tham khảo thông tin từ Hãng tin Reuters và tờ Washington Post.