Tin nhắn nội dung không rõ ràng, sai chính tả: Dấu hiệu của đột qụy
Ảnh minh họa |
Đột quỵ có 2 dạng diễn tiến: Đột ngột hoặc từ từ. Ở dạng đầu tiên, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Ở dạng thứ hai, do các triệu chứng không rõ ràng nên người nhà khó phát hiện kịp thời, làm lỡ mất khoảng thời gian điều trị quan trọng thời gian đầu.
Việc người nhà nhận biết một số dấu hiệu ngầm giúp phát hiện sớm cơn đột quỵ có thể làm tăng cơ hội sống sót và phục hồi cho bệnh nhân.
Khả năng không viết được trọn vẹn tin nhắn, hay gặp rắc rối trong việc dùng ngôn ngữ nói và viết được gọi là dystextia. Đây là một dạng tương tự như hội chứng bất lực ngôn ngữ. Từ năm 2006, dấu hiện này được coi là một triệu chứng y học, biểu hiện về sức khỏe con người.
Viết tin nhắn đòi hỏi sự phối hợp nhiều vùng khác nhau của não bộ. Vì vậy, dystextia có thể là một dấu hiệu chức năng não đang hoạt động bất thường.
Tiến sĩ Samer Al-Hadidi, chuyên gia y tế tại trung tâm y tế Hurley, Flint, Michigan, Mỹ cho biết không có bất cứ lý do rõ ràng chỉ ra nguyên nhân của dystextia nhưng hội chứng là sự gián đoạn của một loạt chức năng não.
Trường hợp đầu tiên về dystextia được công bố trên tạp chí thuộc hiệp hội y khoa Mỹ JAMA Neurology vào tháng12/2012. Một ngày, người chồng nhận được một tin nhắn khó hiểu với dãy chữ lộn xộn từ người vợ 25 tuổi đang có bầu. Ngay lập tức anh liền gọi điện về và biết vợ mình đã được đưa đi cấp cứu.
Tại đây, có bác sĩ nhận thấy người vợ đã bị mất phương hướng, đồng thời không thể nói chuyện được. Kết quả kiểm tra cho biết não của chị không nhận đủ máu và có nguy cơ dẫn đến đột quỵ. May là được đưa đến bệnh viện kịp thời và em bé sinh ra vẫn được an toàn.
Một ví dụ khác do các bác sĩ Viện thần kinh học Mỹ cho biết người đàn ông 40 tuổi, trong một chuyến đi công tác cũng gửi cho vợ của mình một tin nhắn cụt, nội dung không rõ ràng.
Ông được đưa vào viện sau đó. Tuy nhiên, người đàn ông này không tự ý thức được lỗi sai của mình. Kiểm tra kỹ lưỡng bộ phận não tiết lộ anh đã bị đột quỵ trước đó mặc dù nó không có triệu chứng rõ ràng.
Tin nhắn ngắn, nhiều lỗi sai chính tả khá quan trọng trong quá trình điều trị bệnh nhân, bởi vì chúng đánh dấu thời gian, giúp bác sĩ xác định thời điểm xảy ra đột quỵ và quyết định phương pháp điều trị tốt nhất.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Live Science, một tờ tin tức khoa học trực tuyến ra đời năm 2004. Live Science chuyên tin tức về đột phá khoa học, các dự án nghiên cứu và sự kiện kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới.