Tín dụng tiêu dùng chờ bứt phá
Hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng (CVTD) của các công ty tài chính được thực hiện dựa theo nguyên tắc thỏa thuận quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn tranh cãi giữa vấn đề lãi suất theo quy định của pháp luật và lãi suất thực trên thị trường. Bộ Luật dân sự (sửa đổi) mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã luật hóa vấn đề này, mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Được thay áo mới
Luật gia Trương Thanh Đức - Công ty Luật Basico cho rằng việc quy định rõ về lãi suất cho vay trong Bộ luật dân sự, cụ thể là chỉ rõ các giao dịch tài chính dân sự có lãi vay không quá 20%, trừ các trường hợp được quy định bởi luật khác, là một điểm mới của Bộ luật dân sự. Như vậy, các công ty tài chính thuộc điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng nên không áp trần này, luật không còn để mập mờ khiến công ty tài chính có thể rơi vào thế phạm luật và thị trường cho vay tiêu dùng mang tiếng là cho vay nặng lãi.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, công ty tài chính cho vay đối với các nhu cầu mang tính chất bất thường mà người đi vay chưa kịp thu xếp về tài chính để sở hữu những tài sản có giá trị tương đối lớn dưới dạng vay trả góp. Trong đó, bên cho vay là công ty tài chính liên kết với nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ có giá trị lớn để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với những hàng hóa và dịch vụ đó. Lãi vay của các công ty tài chính được xác lập theo nguyên tắc đảm bảo lãi suất bù đắp được chi phí đầu vào, chi phí hoạt động, chi phí rủi ro, tỉ lệ lợi nhuận nhất định và còn có yếu tố cung cầu thị trường, mang tính cạnh tranh. Do đó, vấn đề lãi suất nên để thị trường cạnh tranh là hợp lý. Căn cứ vào nhu cầu thực tế và lãi suất thỏa thuận, người đi vay sẽ quyết định có vay hay không.
Theo các chuyên gia, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính bằng biện pháp hành chính sẽ gây rủi ro, làm méo mó thị trường. Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng một khung pháp lý sao cho thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả, đảm bảo được lợi ích của người cho vay và người đi vay. Cần quy định rõ ràng về đối tượng cho vay, trách nhiệm của cả hai bên để tránh những khiếu kiện sau này và những phát sinh làm tổn thương cho bên yếu thế.
Đáp ứng nhu cầu người dân
Mặc dù đã có sự tăng trưởng ngoạn mục trong vài năm gần đây với sự ra đời và xuất hiện của hàng loạt công ty tài chính độc lập hoặc trực thuộc các ngân hàng thương mại, song thị phần CVTD hiện còn rất nhỏ so với tiềm năng, chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ trong khi con số này ở các nền kinh tế khác phổ biến là 15-25%.
Chính sự nghi ngờ của thị trường về lãi suất cao của các công ty tài chính cũng là một trong những nguyên nhân khiến người đi vay còn e dè, còn các ngân hàng, doanh nghiệp chưa có cơ sở để “bung” tín dụng.
TS Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia phân tích, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có chế độ tín dụng riêng để phát triển, riêng người tiêu dùng chưa có chế độ tín dụng rõ ràng. Trong khi đó, CVTD chính là nguồn tín dụng để đảm bảo đời sống của một bộ phận người dân, từ nhu cầu vay qua đêm đối với các món vay cưới hỏi, du lịch, khám bệnh hay mua sắn các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống như hàng gia dụng, điện máy… Với các khoản vay này, người tiêu dùng có thể chấp nhận lãi suất cao hơn mặt bằng lãi suất ngân hàng. Thực tế này đòi hỏi tín dụng tiêu dùng cần tăng lên về quy mô và đa dạng hơn về sản phẩm.