Tìm thấy "giếng Đồi Mai" trong tác phẩm của Nguyễn Tuân
Nước giếng Am ở xã An Lạc (Chí Linh) sạch hơn nước máy gấp 13 lần |
Vì cái giếng ấy mà ông Sáu, một hào phú trong vùng đã có đến chục năm liền cho người nhà lên chùa xin nước về để pha trà. Ấn tượng về chiếc giếng trong bài ký ấy cứ ám ảnh chúng tôi mỗi khi bắt gặp những giếng cổ ở các địa phương.
Cách đây không lâu, giếng Tiên ở xã Duy Tân (Kinh Môn) được khảo sát vì khi xây dựng dây chuyền III Nhà máy Xi-măng Hoàng Thạch, các chuyên gia Đan Mạch chỉ lấy nước giếng ấy về dùng. Họ tinh khôn thế vì đến giờ nước giếng vẫn sạch hơn nước máy, tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước giếng (TDS) là 24, sạch gấp 3 lần nước máy ở xã hiện nay (TDS là 86). Hay khảo cứu nước suối Ngà, xã Phúc Thành (cũng ở Kinh Môn), nơi có câu phương ngôn còn truyền tụng đến bây giờ:“Người xấu như ma, tắm nước suối Ngà sẽ đẹp như tiên”, khi đo đạc cụ thể thì TDS là 14, còn TDS hố Ngà (cái giếng nhỏ ở chân suối không bao giờ cạn nước) là 12.
Tưởng đến thế đã là độc đáo và quý hiếm lắm, có phần nào là “nguyên mẫu” cho giếng Đồi Mai mà Nguyễn Tuân mô tả rồi? Không ngờ gần đây khi đi khảo sát vùng đồi núi An Bài thuộc khu sinh thái xã An Lạc (Chí Linh) chúng tôi bỗng phát hiện thêm một giếng nữa có tên là giếng Am nằm ở trên quả đồi phía đông của xã. Giếng ấy nằm ven con đường độc đạo từ trung tâm xã đi An Bài (cách trung tâm xã trên 1 km), giữa các bụi cây rậm rạp. Phải vạch cây ra mới nhìn thấy mặt giếng cổ bị bỏ quên nhưng nước luôn đầy và trong vắt.
Theo người dân địa phương, trước đây khi lễ hội đền Cao được tổ chức là các cụ phải đến đây lấy nước này về nấu cơm, thổi xôi, nấu chè... Thông tin quan trọng này khiến chúng tôi quyết định trở lại đem theo dụng cụ để đo TDS nhằm đánh giá chất lượng của nước giếng ấy. Đầu năm nay, khi đo thử, kết quả thật bất ngờ vì TDS của giếng Am là 7, đồng nghĩa có thể uống ngay được mà không nghi ngại gì.
Về tra từ điển “Từ Việt cổ”, được biết "am" là ngôi "chùa nhỏ" hay cái "miếu". Vậy trước đây cạnh giếng đã có cái miếu hay ngôi chùa nhỏ, vì thế người dân mới gọi là giếng Am. Nhiều năm tháng qua đi, am đã đổ nát, không còn dấu vết, chỉ để lại cái tên cho giếng. Rất may là nguồn nước sạch đến kỳ diệu ấy đến nay vẫn duy trì.Vào mùa hội đền Cao tới, xã An Lạc nên khôi phục nếp xưa là lấy nước ấy về pha nước uống và thổi xôi, nấu chè. Tuy bây giờ xã đã có nước máy (TDS là 90) nhưng đối chiếu thì nước giếng Am sạch hơn nước máy gấp 13 lần.
Trong nghệ thuật thưởng trà, dân gian ta có câu: “Nhất thủy, nhị thán, tam trà, tứ trản”. Thủy là nước dùng pha trà, thán là than chọn để đun sôi nước, trản là loại ấm chén nhỏ chuyên để hãm và uống trà. Trà là chủ thể, quan trọng là thế, nhưng chỉ xếp thứ 3. Trong câu chuyện, nhà văn Nguyễn Tuân muốn diễn giải ẩn ý của bí kíp “thưởng trà” này của cha ông ta xưa. Như vậy, ngày hội đền Cao tới, ngoài cơm, xôi, chè nấu từ nước giếng ấy nên có một vài chiếu kèm theo ấm chén để các cụ và độc giả của Nguyễn Tuân đến thưởng thức trà từ thứ nước giếng giống như nước giếng Đồi Mai trong “Những chiếc ấm đất” đã vang bóng một thời.
Và không lâu nữa, khi An Bài trở thành khu du lịch sinh thái thì cạnh giếng Am nên xây một quán giải khát gồm các sản phẩm như: nước trà, cà phê, nước giải khát các loại, kể cả nước đá sản xuất từ thứ nước tinh khiết đặc biệt lấy từ nước giếng Am.
NGUYỄN VĂN KHANG/Báo Hải Dương