Tìm chỗ ăn chơi ven Hà Nội: Cháy phòng, hao hao những bản sao
Chia sẻ tại tọa đàm “Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng”, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi cho rằng, nguồn khách của các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô là cư dân nội thành và khách quốc tế đến Hà Nội.
Theo chuyên gia, du lịch ven đô bây giờ đã có nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, tản mạn chưa thành chuỗi trong khi nhu cầu lại rất lớn. (Ảnh minh họa) |
Với nhóm khách nội thành, ông Trung tính toán có khoảng 4,5 triệu người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ven đô. Trung bình đi nghỉ dưỡng 5 – 6 lần/năm, vậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô đã có nguồn khách lên tới 25 – 30 triệu lượt khách/năm. Theo ông, đây là thị trường cực lớn và không cạnh tranh, chỉ cần làm tốt việc của mình thì khách tự đến.
Mặt khác, ông Trung cho rằng, trong tương lai, Hà Nội sẽ đón gần 30 triệu lượt khách mà chỉ có 1.200 phòng khách sạn 3 – 5 sao trong 5 năm qua. Điều này gây sức ép lớn về nguồn cung cho nội thành. Giải pháp là san sẻ nguồn khách bằng cách kết nối với du lịch ngoại ô. Và với 30 triệu lượt khách đến Hà Nội trong tương lai, "ngoại ô chỉ cần chia lửa thôi cũng đã nóng rồi".
Trong khi đó, nguồn cung của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô hiện vẫn vô cùng hạn chế. Ông Trung dẫn chứng, các vùng xung quanh Hà Nội, kể từ Hòa Bình đến Mai Châu, có chưa đầy 1.600 phòng resort, đáp ứng cho mấy chục triệu lượt khách. Đó là nguồn cung cực yếu và điều này khiến hầu hết khách phải đi lại trong ngày.
“Với lượng cung này, tôi tin rằng với khả năng xây dựng cực lực thì trong 10 năm tới cũng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Trung tính toán.
Mặt khác, vị này cũng đưa ra một lợi thế của du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô là chi phí rất thấp. Đơn cử một resort có 3 phòng ngủ, cộng các chi phí sinh hoạt, nếu chia ra thì chỉ hết 1 triệu đồng/người/ngày.
“Mức này nhiều người chi trả được. Và nó sẽ tác động ngược lại thị trường theo hướng khiến số đối tượng đi nhiều hơn, số lần đi cũng tăng thêm. Vì thế, thị trường bất động sản ngoại ô sẽ luôn tăng trưởng tốt, bất chấp nền kinh tế biến động thế nào”, ông Trung nhận định.
Nhìn nhận ở một góc cạnh thận trọng hơn, ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality cho rằng, bức tranh du lịch nghỉ dưỡng ven đô về toàn cảnh vẫn tốt nhưng cần thấy một điều là những ngày trong tuần, các khu resort, khách sạn vắng khách hơn cuối tuần, trong khi cuối tuần thì rất đông.
Thực tế này đặt ra cho các nhà đầu tư là làm sao để thu hút khách đầu đặn nhất. Muốn vậy thì cần phải chú trọng đến sản phẩm của mình là gì mới là quan trọng.
Bởi theo ông Khánh, hiện nay hầu như đến các khách sạn, resort đều thấy hao hao giống nhau, chưa có những nét độc đáo, riêng biệt. Hoặc là các khách du lịch thích khám phá văn hóa của địa phương nhưng hầu như các khu của mình không đáp ứng được nhu cầu này.
Đưa ra quan điểm của mình, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho rằng, du lịch ven đô là nhu cầu cần thiết của xã hội, nhất là khu đô thị, thành phố bị áp lực vì môi trường, công việc, cuộc sống mà cần có chi phí thấp, thời gian ngắn để giải quyết thì du lịch ven đô trong tương lai sẽ phát triển tốt. Song, việc phát triển du lịch ven đô cần phải có sự chủ động, đi trước đón đầu của các nhà đầu tư bởi du lịch ven đô bây giờ đã có nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, tản mạn chưa thành chuỗi.
Cùng với đó, ông Thản cho rằng, để phát triển bền vững mô hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ven đô cần có sự đồng hành và liên kết chặt chẽ giữa 3 bên, đó là chính quyền, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.