Tiểu hành tinh to gấp đôi tháp Eiffel sẽ đi qua trái đất
Một tiểu hành tinh có kích thước lớn gấp đôi tháp Eiffel sẽ bay ngang qua chúng ta vào ngày 21/3.
Khi mọi người đang ngồi trong nhà, nghỉ ngơi vào cuối tuần này, thì một khối đá vũ trụ khổng lồ sẽ bay qua hành tinh của chúng ta với tốc độ chóng mặt, chính xác là vào ngày 21/3.
Tiểu hành tinh có tên gọi là 2001 FO32, có kích thước gấp đôi so với tháp Eiffel, địa danh mang tính biểu tượng của Paris, Pháp, cao khoảng 324 mét.
Mặc dù hiện tại các nhà khoa học không biết kích thước chính xác của tiểu hành tinh nhưng ước tính có đường kính khoảng từ 500-900 mét, thậm chí có thể còn lớn hơn cả tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa ở Dubai.
Tiểu hành tinh hướng về phía Trái đất với tốc độ 34km/s, tiếp cận hành tinh ở khoảng cách khoảng 2 triệu km, tương đương 5,5 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.
Tiểu hành tinh to gấp đôi tháp Eiffel sẽ đi qua trái đất |
Paul Chodas, giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái đất, cho biết: "Chúng tôi biết chính xác quỹ đạo của 2001 FO32 quanh Mặt trời, kể từ khi được phát hiện cách đây 20 năm và luôn được theo dõi kể từ đó. Các nhà thiên văn nghiệp dư ở bán cầu nam và ở vĩ độ thấp phía bắc có thể nhìn thấy tiểu hành tinh này bằng cách sử dụng kính thiên văn kích thước vừa phải trong những đêm tiếp cận gần Trái đất nhất".
Lance Benner, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA cho biết rằng: "Các quan sát suốt hơn 20 năm cho thấy khoảng 15% tiểu hành tinh gần Trái đất có kích thước tương đương với 2001 FO32 có một mặt trăng nhỏ. Hiện tại rất ít thông tin về vật thể này, vì vậy cuộc chạm trán rất gần sắp tới mang đến cơ hội tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu muốn tìm về tiểu hành tinh 2001 FO32".
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho biết 2001 FO32 đi qua Trái đất ở khoảng cách sẽ không gây ra mối đe dọa nào cho hành tinh vào thời điểm này cũng như trong nhiều thế kỷ tới.
Tuy nhiên, đó sẽ là một cơ hội hữu ích cho các nhà thiên văn muốn tìm hiểu rõ hơn về kích thước, quỹ đạo và thành phần của tiểu hành tinh lớn này.
NASA cho biết: "Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào bề mặt của một tiểu hành tinh, các khoáng chất trong đá sẽ hấp thụ một số bước sóng trong khi phản xạ các bước sóng khác. Bằng cách nghiên cứu quang phổ của ánh sáng, các nhà thiên văn học có thể nghiên cứu các khoáng chất trên bề mặt của tiểu hành tinh. Điều này sẽ đạt được nhờ việc sử dụng kính viễn vọng hồng ngoại trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii".
Hoàng Dung (lược dịch)