Tiết lộ kinh hoàng của CSGT đường thủy Đà Nẵng về vụ lật tàu trên sông Hàn

Trao đổi với PV Infonet sáng 8/6, Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Đà Nẵng đã tiết lộ những thông tin, những sự thật mà nghe xong, chúng tôi thực sự không khỏi cảm thấy... kinh hoàng!

Chỉ đạo từ tháng 9/2015 của UBND TP Đà Nẵng đã không được thực hiện

Theo thông tin Infonet thu thập được thì từ tháng 9/2015, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo đưa lên bờ các tàu du lịch không đủ điều kiện hoạt động. Cụ thể, ngày 9/9/2015, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã ký văn bản 7088/UBND-QLĐTh chỉ đạo một số vấn đề liên quan đến hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn.

Tiết lộ kinh hoàng của CSGT đường thủy Đà Nẵng về vụ lật tàu trên sông Hàn - ảnh 1

Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 đã làm lộ ra nhiều sự thật đáng kinh hoàng trong việc tổ chức du lịch đường thủy của Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an TP, Bộ chỉ huy BĐBP, Sở VH-TT-DL (nay là Sở Du lịch), Sở NN-PTNT, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu du lịch đang neo đậu tạm thời tại khu vực cảng Sông Hàn.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chỉ đạo: “Đối với các tàu du lịch không đủ điều kiện hoạt động du lịch thì kiên quyết không cho lưu hành và tổ chức đưa các tàu này lên bờ, hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP trước ngày 20/9/2015”.

Tuy nhiên như đã thấy, suốt thời gian dài, Sở GTVT cùng các sở, ngành hữu quan của Đà Nẵng đã không thực hiện đúng chỉ đạo này của UBND TP. Mãi đến ngày 2/6 vừa qua, Phó Giám đốc Sở GTVT, ông Bùi Thanh Thuận, mới chủ trì cuộc họp nhằm phối hợp triển khai các biện pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Ban ATGT TP, Trạm Biên phòng (BP) sông Hàn, CSGT đường thủy, Thanh tra Sở GTVT, Cảng vụ Đường thủy nội địa (gọi tắt là Cảng vụ), Công ty Quản lý cầu đường, Phòng Quản lý vận tải - phương tiện và Phòng Quản lý giao thông – đô thị (Sở GTVT).

Thông báo số 2544/TB-SGTVT (ngày 3/6) của Sở GTVT Đà Nẵng kết luận các nội dung tại cuộc họp có nêu: “Giao Cảng vụ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, CSGT đường thủy, Trạm BP Hàn tiến hành di dời các tàu không đủ điều kiện hoạt động, trong đó có tàu Thảo Vân 02 (ĐNa 0016) về neo đậu ở khu vực Trạm cửa khẩu sông Hàn trước 20h ngày 2/6 và bàn giao cho lực lượng BP quản lý. Nghiêm cấm không được phép rời khỏi khu vực này khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng. Đồng thời yêu cầu chủ tàu sớm hoàn thành các thủ tục liên quan để tàu được hoạt động hợp pháp”.

Chỉ 1 ngày sau khi Thông báo số 2544 được Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Bùi Thanh Thuận ký thì xảy ra vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn làm hàng chục người thương vong. Tại sao tàu Thảo Vân 2 đã được “bàn giao cho lực lượng BP quản lý”, đã bị “nghiêm cấm không được phép rời khỏi khu vực khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng” mà lại xảy ra vụ đại nạn này?

Tàu Thảo Vân 2 không hề được di dời về trước trạm biên phòng

Để tìm hiểu rõ thêm nội tình, sáng 8/6, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Đà Nẵng và được ông tiết lộ những sự thật rất đỗi... kinh hoàng!

PV: Thưa ông, trong Thông báo số 2544 có nói là “di dời các tàu không đủ điều kiện hoạt động, trong đó có tàu Thảo Vân 02 (ĐNa 0016) về neo đậu ở khu vực Trạm cửa khẩu sông Hàn trước 20h ngày 2/6 và bàn giao cho lực lượng BP quản lý”...

Trung tá Đặng Hữu Tài: Rồi, rồi, tôi hiểu ý anh muốn hỏi về chuyện đó rồi. Trong đó có một cái mập mờ mà không ai biết. Đó là theo kết luận tại cuộc họp thì Cảng vụ chủ trì, tức là chịu trách nhiệm chính, đầu tiên và phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, CSGT đường thủy, Trạm BP sông Hàn để cưỡng chế di dời các tàu không đủ điều kiện hoạt động, trong đó có tàu Thảo Vân 02 (ĐNa 0016) về neo đậu ở khu vực Trạm cửa khẩu sông Hàn.

Tiết lộ kinh hoàng của CSGT đường thủy Đà Nẵng về vụ lật tàu trên sông Hàn - ảnh 2

Trung tá Đặng Hữu Tài tại hiện trường... (Ảnh: HC)

Nói cưỡng chế nghe có vẻ ghê gớm nhưng thực ra có 3 tàu không đủ điều kiện hoạt động và các tàu này đã đậu ở đầu Nam cảng Sông Hàn từ ngày Ủy ban có công văn 7088 chỉ đạo gom hết tàu du lịch về cảng này chứ không phải đậu chỗ nào khác. Trong thông báo 2544, Sở GTVT chỉ đạo nhưng họ không hiểu chỉ đạo như thế chẳng để làm gì cả. Mấy ông bắt di dời mấy tàu đó từ đầu Nam về đầu Bắc của cảng, vì cứ nghĩ ở đó có chốt BP, đem tàu về đó để tăng thêm hiệu lực quản lý. Đó là ý của mấy ổng thôi chứ thực ra để tàu đậu ở đầu Nam hay Bắc thì vấn đề quản lý vẫn là của cảng thôi, không có thoát ly khỏi sự quản lý đó!

PV: Việc cưỡng chế 3 tàu không đủ điều kiện hoạt động du lịch đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trung tá Đặng Hữu Tài: Anh biết không, tối hôm đó (2/6) do Cảng vụ chủ trì, nhưng khi xuống đó thì tàu Thảo Vân 2 và một tàu nữa tôi không nhớ rõ tên, hình như số hiệu là 0451 không có người, chỉ có tàu Đại Thành có người nên mấy ổng mới chuyển tàu này lên đậu ở chỗ chốt biên phòng nhưng mà cũng không làm các thủ tục bàn giao.

Cái này Cảng vụ có toàn quyền lập hồ sơ, bàn giao cho ai hay phối hợp với ai để tạm giữ. Gọi là tạm giữ đi, hay trông coi gì đó. Đúng ra phải lập hồ sơ đầy đủ, có quyết định tạm giữ luôn, bàn giao cho BP quản lý, các bên cùng ký vào, không cho tàu chạy. Làm là phải đến nơi đến chốn. Nhưng ở đây mấy ổng chỉ đưa được mỗi tàu Đại Thành lên chỗ trạm BP, còn tàu Thảo Vân 2 và tàu 0451 vẫn nằm chỗ cũ ở cảng Sông Hàn chứ không phải nằm ở ngoài. Tối hôm đó anh em đi về có báo với tôi là mấy ổng chủ trì nhưng làm không kiên quyết.

Công tác quản lý chủ yếu là ở chỗ Cảng vụ, cho phép hoạt động hay không, có cho đón khách hay không. Nó còn liên quan đến ông Du lịch nữa chứ. Không đủ điều kiện vẫn bán vé, sao lại cho lên mà không kiểm soát được, nên nó (tàu Thảo Vân 2) mới đưa chui người xuống, mới nhổ neo anh ạ. Sau này mới biết nó bán vé đâu ở ngoài đường, lúc đông người nó đem ra bán, rồi gom hết một đoàn rồi đối phó bằng cách dắt vô, xuống tàu là nhổ neo đi luôn, nên tổ kiểm soát tối hôm đó không thấy được tình hình vì rất bất ngờ.

Không có biên bản bàn giao nên Biên phòng chối trách nhiệm!

PV: Nói vậy, chẳng lẽ kết luận của Sở GTVT Đà Nẵng tại Thông báo 2544 không có chút hiệu lực nào?

Trung tá Đặng Hữu Tài: Theo tôi thì việc cưỡng chế di dời theo thông báo 2544 của Sở GTVT chỉ là hình thức thôi, vì 3 chiếc tàu đó vẫn neo đậu ở cảng Sông Hàn từ trước tới giờ, từ ngày Ủy ban cho tập trung ở đó để quản lý, nhưng hoạt động của nó không đảm bảo. Nó hoạt động như thế đó mà ông cảng vụ, ông quản lý bến, ông thanh tra Sở GTVT có làm đúng chức năng, có báo cáo tình hình cho Ủy ban, cho Sở GTVT để có biện pháp giải quyết đâu.

Vì vậy tại cuộc họp ngày 2/6, tôi thấy tình hình như thế thì chết nên mới phát biểu rất kiên quyết. Anh biết sao không? Chủ trì cuộc họp hôm đó, Sở GTVT chủ trương cưỡng chế theo kiểu này nè, nghe mà không thể hiểu nổi. Đó là cưỡng chế bằng cách đuổi khỏi cảng Sông Hàn, thế thôi. Làm như thế là vô trách nhiệm, cưỡng chế đuổi khỏi cảng, còn nó đi đâu mặc kệ nó. Tôi không chịu vì không thể làm thế được. Nếu đuổi khỏi cảng mà không quản lý thì nó hoạt động tự do chứ gì nữa. Thế thì cái nguy hiểm sẽ như thế nào? Ai chịu? Nên tôi yêu cầu thực hiện theo công văn 7088 của Ủy ban, cứ phải cẩu lên bờ là tốt nhất. Nếu Sở GTVT làm cương quyết thì đâu đến nỗi bây giờ nó thành ra thế này!

PV: Xin ông nói rõ thêm về chi tiết “bàn giao cho BP quản lý” trong Thông báo 2544 của Sở GTVT Đà Nẵng?

Trung tá Đặng Hữu Tài: Thì mấy ổng nghĩ đưa cho BP quản lý sẽ chắc hơn, người ta nể, người ta sợ hơn vì BP có cái chốt cắm ở đó. Nhưng bây giờ BP lại chối trách nhiệm này, là vì Sở GTVT không làm biên bản bàn giao cụ thể mà cứ để đó thôi, cuối cùng là để miệng. Nên bây giờ BP chối trách nhiệm mà bảo rằng theo quy định của Chính phủ thì họ chỉ làm ở khu vực cửa khẩu cảng biên giới, tức là từ cầu Thuận Phước trở ra biển, nếu tàu nào xuất bến mà đi theo tuyến du lịch ra vịnh Đà Nẵng thì mới phải qua sự kiểm soát của BP.

Nhưng trong này có nhiều cái lộn xộn lắm. Cứ xuất bến là phải thông qua BP chứ không phải chỉ riêng tàu nào đi ra vịnh Đà Nẵng đâu. Rất là lộn xộn, do bàn giao không cụ thể. Các thành viên tham gia do Sở GTVT chủ trì tiến hành bàn giao không cụ thể nên bây giờ BP cũng chối trách nhiệm giữ 3 chiếc tàu đó tại chốt BP. Khổ là ở chỗ đó!

Tiết lộ kinh hoàng của CSGT đường thủy Đà Nẵng về vụ lật tàu trên sông Hàn - ảnh 3

vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn tối 4/6 (Ảnh: HC)

PV: Chúng tôi thấy có chi tiết khá lạ trong Thông báo 2544 của Sở GTVT. Đó là thông báo này được Phó Giám đốc Sở Bùi Thanh Thuận ký ngày 3/6 nhưng lại yêu cầu di dời các tàu không đủ điều kiện hoạt động về neo đậu ở khu vực trạm BP sông Hàn trước 20h ngày 2/6?

Trung tá Đặng Hữu Tài: Cuộc họp ngày 2/6 là cuộc họp cấp tốc vào buổi trưa, khoảng 10h30 – 11h, để buổi tối triển khai. Họp thì tinh thần như thế thôi chứ thực ra Cảng vụ, Thanh tra giao thông, quản lý bến, 3 ông đó có làm gì đâu. Ổng chủ trì, anh em tập trung xuống, có cả bên BP nhưng cuối cùng ổng chỉ đạo nửa vời, đưa được 1 chiếc Đại Thành không có số má gì hết về chỗ chốt BP thôi. Ông Đại Thành chấp hành còn hai ông kia thì bỏ tàu ở chỗ trước khách sạn Novotel thôi. Cho nên qua vụ này mới thấy nhiều cái bất cập. Nhiệm vụ chính của Sở GTVT nhưng họ đâu có làm, họ cứ dựa vô chỗ CSGT đường thủy, BP...

Đà Nẵng chưa từng có phương án cứu hộ, cứu nạn tàu du lịch

PV: Ông vừa nói đến CSGT đường thủy. Vậy trách nhiệm của các ông trong vụ này thế nào?

Trung tá Đặng Hữu Tài: Trụ sở Đội CSGT đường thủy ở số 193 – 195 Chương Dương, lên tới chỗ gần cầu Tiên Sơn, cách cảng Sông Hàn mấy cây số. Lực lượng chỉ có 6 người. Mỗi lần đi lại rất xa, anh em phải chạy xe máy xuống đó làm. Làm trên bờ, làm dưới nước. Làm sao có thể quản lý hết được. Mình chạy trên sông nước, quay đi quay lại là nó xuất bến hồi nào không biết. Khó lắm. Vì tàu đông, trời tối phải đi mò từng chiếc, mà đâu phải ngày nào cũng đi được. Đâu phải dễ như rứa! Có lịch thì mình triển khai nó ấy chứ còn có gì đột xuất thì gay lắm!

Khi xảy ra tàu Thảo Vân 2 bị chìm thì chúng tôi cũng vừa xuất bến làm ở đoạn ngã ba nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ. Nghe tin thì chúng tôi phải chạy từ trên đó xuống, cũng khá xa. Khi tới hiện trường thì các tàu du lịch khác đã hỗ trợ cứu nạn, nếu đợi cơ quan nhà nước chắc là chết hết trơn, không còn người nào. Trong các cơ quan chức năng thì CSGT đường thủy tới đầu tiên, rồi mới tới ông cứu hộ cứu nạn của Cảnh sát PCCC, rồi mới đến ông BP; còn lực lượng của Quân khu thì xuống sau cùng... Sau khi thả phao đánh dấu hiện trường thì chúng tôi được yêu cầu chạy ra chạy vào để chở lãnh đạo TP tới hiện trường!

PV: Từ vụ chìm tàu Thảo Vân 2, ông có nhận định gì về việc tổ chức du lịch đường thủy của Đà Nẵng thời gian qua?

Trung tá Đặng Hữu Tài: Trong đội tàu du lịch của mình có một số chiếc không đảm bảo an toàn, bến cảng cũng tạm thời, công tác quản lý nhà nước về hoạt động này cũng chưa được hoàn chỉnh và chặt chẽ. Nhưng TP chưa có phương án để cứu hộ cứu nạn trong những trường hợp như vừa rồi. Chưa có phương án đâu anh nghe. Trước đây TP giao cho BP chủ trì trong việc cứu hộ, cứu nạn nhưng không xong vì không có một phương án cụ thể cho việc cứu hộ, cứu nạn đối với các tàu du lịch. Cứ chạy theo thực tế, chắp chắp, vá vá chứ chưa có cái gì hết.

Vì vậy, khi xảy ra sự cố thì không huy động được nhanh, không biết ai để huy động. Huy động cái gì cũng không biết. Cuối cùng Chủ tịch TP xuống, lệnh cho Ủy ban các phường ở địa bàn đó huy động lực lượng dân chài lưới, dân lặn chíp chíp. Cuối cùng là phải nhờ dân, anh thấy không! Huy động mấy ông lặn nghêu, lặn chíp chíp dưới sông, rồi sau đó mới đến đặc công nước của Quân khu 5. Đáng lẽ nhà nước phải đi trước, nhưng cuối cùng cơ quan nhà nước lại đi sau. Đấy, người ta đánh giá là dân họ đi trước hết.

Không biết mấy ổng đánh giá cái này thế nào chứ tôi thấy công việc chuẩn bị cho phòng chống, cứu hộ cứu nạn như vừa rồi là quá sức bất cập. Và còn nhiều cái bất cập nữa. Không phải chuyên ngành nhưng theo tôi là cần phải nghiên cứu lại hệ thống các quy định về du lịch đường sông, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban và việc triển khai thực hiện của ngành chức năng. Thấy nhiều cái rất bất cập. Chỉ cần thực hiện đúng chỉ đạo của Ủy ban đưa các tàu không đủ điều kiện lên bờ thôi thì đã giảm thiểu được nguy cơ rất lớn rồi, nhưng họ không làm!

Ủy ban TP đã chỉ đạo từ tháng 9/2015. Nếu mấy ổng làm một cách quyết đoán, có chậm lắm thì cứ cho đến tháng 10 – 11/2015 là đã xong hết rồi. Lúc đó bắt buộc chủ tàu phải lo tu sửa, kiểm định, làm đầy đủ các thủ tục... rồi cho xuống nước hoạt động trở lại thì có phải nhẹ gánh không? Nhưng mấy ông Sở GTVT không hiểu mấy ổng thế nào nữa. Nên qua mấy cuộc họp, tôi bức xúc quá, không thể nhịn nổi nên phải nói thẳng điều đó và đưa luôn chuyện tàu cá hoán cải thành tàu du lịch ra!

PV: Xin cám ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này!

Mấy ông đăng kiểm của Sở GTVT, chả hiểu thế nào nữa!

PV: Ông đã đưa chuyện cải hoán tàu cá thành tàu du lịch ra các cuộc họp như thế nào?

Trung tá Đặng Hữu Tài: Tôi nói rõ, hình dáng của tàu như thế nhưng công tác xử lý không phải dễ. Chủ tàu người ta chống chế chứ. Do mình sơ hở trong quản lý, sơ hở trong quy định nên họ chống chế, vì vậy những người thực thi nhiệm vụ đố mà làm được. Ở dưới nước, phạt được người ta đâu phải chuyện dễ anh. Trong quản lý, trong các quy định pháp luật phải thống nhất với nhau kia thì may ra mới làm được chứ còn cứ sơ hở kiểu ni thì khó lắm.

Mấy ông đăng kiểm của Sở GTVT, chả hiểu thế nào nữa. Anh biết không, tàu Thảo Vân 2 này năm 2014 đã bị chìm một lần rồi, ở ngay khu vực cầu Sông Hàn. Chính vì vậy mà trong các cuộc họp, chúng tôi kiên quyết yêu cầu đưa lên bờ vì có nhiều cái không an toàn. Nhưng biết làm sao được, cơ quan đăng kiểm cấp chứng nhận an toàn, còn mình nói chẳng qua là chủ quan. Nhưng cái cảm quan của mình cũng có cơ sở chứ không phải không. Còn ông đăng kiểm cấp chứng nhận thì ổng phải chịu trách nhiệm về pháp lý thôi!


HẢI CHÂU (thực hiện)

Điểm hẹn du lịch miền Bắc Việt Nam những ngày đẹp nhất năm

Miền Bắc đang bước vào mùa đẹp nhất năm với những trải nghiệm du lịch lôi cuốn. Nếu bạn đang tìm một kỳ nghỉ thu đông thú vị, hãy cân nhắc Hạ Long và Sa Pa, 2 điểm đến lọt top thịnh hành nhất thế giới năm 2024 do TripAdvisor bình chọn.

Thức uống từ mãng cầu được giới trẻ yêu thích

Quả mãng cầu, hay còn gọi là quả na hoặc mãng cầu xiêm, vốn là loại quả nổi tiếng với giới trẻ bởi những món uống cực hot như trà mãng cầu, sinh tố mãng cầu... Đây còn là loại quả chứa nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ hàm lượng dinh dưỡng phong phú.

Diễn viên Thanh Hương sau đổ vỡ: Tôi không thiếu những người đàn ông theo đuổi

Diễn viên Thanh Hương cho biết muốn kín tiếng trong chuyện riêng tư và hiện chưa nghĩ tới việc kết hôn dù không thiếu người theo đuổi.

Cảnh lạ ở hẻm ‘nhà thùng’ TPHCM: Trăm năm ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược

Hẻm "nhà thùng", có từ thời Pháp thuộc như ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược với một bên là dãy nhà cao cửa rộng trong khi phía đối diện là những căn nhà bé tí, lụp xụp rộng chưa đầy 10m2.

Chuyện cảm động phía sau tấm ảnh phục dựng gia đình đủ 4 người ở Làng Nủ

Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, em Hoàng Xuân Phúc (14 tuổi) đã mất đi cả bố và mẹ. Mong muốn của Phúc là có một bức ảnh đầy đủ 4 thành viên trong gia đình.

BAT Việt Nam hoàn thành mục tiêu khoanh nuôi 120ha rừng ngập mặn Cà Mau

Công ty British American Tobacco (BAT) Việt Nam và Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã hoàn thành dự án hợp tác trồng rừng giai đoạn 2022 - 2024. Một trong các mục tiêu là chuyển hóa 120ha bãi bồi thành rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Du khách hào hứng với loạt trải nghiệm tại Sun KraftBeer Festival 2024

Dù đã qua mùa hè cao điểm, nhưng mỗi ngày Sun World Ba Na Hills vẫn thu hút hàng nghìn du khách đến với Lễ hội bia tươi và ẩm thực Sun KraftBeer 2024.

Chị dâu tặng vòng vàng dịp kỷ niệm ngày cưới, tôi đi bán mới phát hiện sự thật

Không tin vào những gì mình nghe được, tôi đã mang chiếc vòng vàng được chị dâu tặng đến 3 cửa hàng khác nhau để kiểm tra.

Cô gái Bình Phước ngồi xe lăn vào lễ đường, nhiều người rơi nước mắt

Đám cưới của Nhung có nhiều điều đặc biệt. Cô được bố đẻ bế ra trao cho chú rể. Khoảnh khắc chú rể đẩy xe lăn, đưa cô dâu tiến vào lễ đường nhiều người cảm động rơi nước mắt.

Nước ngập trắng đồng ở Chương Mỹ, 100 cảnh sát gặt lúa giúp dân

Dù cơn bão số 3 đã đi qua, nhưng những cánh đồng của xã Mỹ Lương (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước. Để giảm thiểu thiệt hại, hơn 100 chiến sĩ cảnh sát đã xuống đồng gặt lúa giúp người dân.

Đang cập nhật dữ liệu !