Tiếp nối hành trình thực hiện lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu -TTXVN |
Đã tròn 70 năm trôi qua kể từ khi cuộc cách mạng “long trời lở đất” đó diễn ra thành công. Đến hôm nay nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc của một trong những sự kiện trọng đại và là một trong những cột mốc kỳ vĩ nhất trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chính nó đã tạo nên bước ngoặt lịch sử, mở ra một thời đại phát triển mới chưa từng có trong lịch sử.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta chỉ là “xứ An Nam” thuộc Pháp, không có tên chính thức trên bản đồ thế giới. Gần 80 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta chìm đắm trong kiếp nô lệ, bị đè nén, bị bóc lột đến tận xương tủy. Mọi sự phản kháng, mọi phong trào yêu nước, đòi độc lập dân tộc đều bị thực dân, phong kiến thẳng tay đàn áp với những hình phạt hà khắc nhất. Sự bế tắc, ngột ngạt, cảnh đói rách, lầm than chính là những hình ảnh khái quát nhất cho cuộc sống của người dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng đồng nghĩa với việc người dân Việt Nam chính thức ngẩng cao đầu tuyên bố với thế giới về quyền độc lập, quyền sống và quyền tự do của mình. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong buổi sáng mùa Thu ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ chính là biểu tượng sáng ngời của tinh thần và khát vọng của Cách mạng Tháng Tám. Đó chính là khát vọng độc lập tự do, khát vọng vươn lên của một dân tộc bất khuất, kiên cường, quyết rũ bỏ ách nô lệ để đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.
Kể từ cột mốc Cách mạng Tháng Tám 1945, toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tiến hành cuộc trường chinh vì độc lập và thống nhất, thu non sông về một mối. Trải qua 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống Pháp và chống Mỹ, với những cột mốc lịch sử oai hùng: Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Chiến thắng mùa Xuân 1975, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của chúng ta đã kết thúc thắng lợi. Cả nước lại bước vào hành trình mới, hành trình dựng xây, phát triển, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kỷ niệm tròn 70 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta cùng ôn lại và thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Nhưng điều quan trọng hơn, đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau “kiểm điểm” lại hành trình 70 năm thực hiện những lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám, lý tưởng mà vì nó, bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, mồ hôi, nước mắt để chiến đấu và lao động. Lý tưởng đó, như Bác Hồ, lúc sinh thời đã nói một cách ngắn gọn là “mong muốn tột bậc” của Bác: “Đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. 70 năm nhìn lại, chúng ta có thể khẳng định rằng, lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám đã và đang trở thành hiện thực trên đất nước ta. Tuy nhiên, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cũng không thể né tránh một thực tế, trên con đường phát triển trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh của thế giới hôm nay, nước ta đang ở vị trí thấp, cả trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nguy cơ, nhiều thách thức đang đặt ra một cách gay gắt trước mắt chúng ta, trong đó, nguy cơ bị tụt hậu so với khu vực và thế giới, vốn đã được cảnh báo từ lâu, nay đang có dấu hiệu trở thành thực tế. Đó chính là mối lo lớn nhất, là điều cần được nhận thức một cách nghiêm túc và sâu sắc để từ đó có quyết tâm và giải pháp cần thiết để vượt qua.
Một điều không kém phần quan trọng khác cũng cần được nêu lên như là sự tiếp nối tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, đó là tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như Bác Hồ đã dạy. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc vẫn đang đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm bởi những thế lực bành trướng, bá quyền trong khu vực. Kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, tấc biển, bảo vệ quyền độc lập và phẩm giá dân tộc, không lùi bước trước sự đe dọa của bất cứ thế lực ngoại bang nào, dù hùng mạnh và hung hãn đến mấy, đó chính là những bài học được đúc kết bằng xương máu của bao thế hệ người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, để đến giờ này lại tiếp tục với tinh thần và ý chí của thế hệ hôm nay.