Tiến sĩ Lorinda Hern: Tiêm thuốc độc vào sừng để bảo vệ tê giác
![]() |
Tiến sĩ Lorinda và các đồng sự đang tiêm thuốc độc vào sừng một con tê giác. Ảnh RRP |
Nếu vấn đề này không được giảm thiểu một cách hiệu quả thì sẽ không có cách nào để bảo vệ loài tê giác khỏi sự săn bắt và giết chóc đang ở mức cực kỳ báo động.
Chất độc nguy hại với người nhưng an toàn với tê giác
Từ năm 2010, Tiến sĩ Lorinda cùng đồng sự là bác sĩ Charles Van Niekerk và Rhino Rescue Project (Dự án Giải Cứu Tê Giác) đã ra một giải pháp hiệu quả, tiết kiệm và lâu dài để bảo vệ tê giác tại Nam Phi và bất cứ đâu có nạn săn bắt trộm.
Chương trình bảo tồn toàn diện này tập trung chính vào việc làm giảm giá trị của sừng tê giác trên khía cạnh thương mại.
Để làm giảm giá trị sử dụng của sừng tê giác, họ tiêm vào sừng chúng một loại độc tố gồm ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu để làm nhiễm độc và làm bẩn sừng, khiến sừng không còn có tác dụng chữa bệnh cũng như trang trí.
Trả lời trực tuyến báo chí, bác sĩ Charles Van Niekerk cho biết, độc tố ectoparasiticides sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Khi sử dụng sừng tê giác bị tiêm độc tố, người tiêu dùng có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, đau đầu, co giật, thậm chí là tử vong.
Những nguy cơ sẽ tăng tùy theo liều lượng hoặc hoàn toàn tùy thuộc vào việc độc tố phản ứng với cơ thể từng người. Với những người đang điều trị bệnh, việc sử dụng sừng tê giác sẽ làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Điều đó rất nguy hiểm đến sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, độc tố này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính mạng của loài tê giác cũng như những động vật sinh sống cùng chúng trong hệ sinh thái.
Tiến sĩ Lorinda giải thích thêm: “Dự án giải cứu tê giác không có ý định đầu độc người tiêu dùng. Nhưng đây là một giải pháp phá cách cho một vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Thực tế đáng buồn là chúng ta đang mất trung bình 3-4 con tê giác mỗi ngày vì những người săn trộm. Tôi tin rằng một khi công chúng sẽ ngừng việc tiêu thụ sừng tê giác khi biết chúng không chỉ không có tác dụng chữa bệnh mà còn gây nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe”.
![]() |
Hàng nghìn con tê giác đã bị giết để lấy sừng. Ảnh RRP |
Sừng tê giác không hề có giá trị
Trong nỗ lực tuyên truyền cộng đồng về đặc tính chữa bệnh của sừng tê giác, nhiều chứng minh khoa học đã được nghiệm thu. Năm 1983, những nhà nghiên cứu tại Hoffmann-LaRoche đã thử nghiệm. 25 năm sau đã thêm một nghiên cứu tại viện khoa học Zoological Society ở Luân Đôn. Cả hai đều đi đến chung một kết luận: Sừng tê giác không chứa bất kỳ đặc tính y học nào. Thêm vào đó, nghiên cứu được nghiệm thu năm 1990 ở trường đại học Trung Quốc- Hồng Kông đã không thể đưa ra bằng chứng nào cho những lời đồn về sức mạnh chữa bệnh của sừng tê giác.
Năm 1983, Tổ chức Động vật hoang dã thế giới - World Wildlife Fund (WWF) và Hiệp hội Bảo toàn thiên nhiên thế giới - International Union for Conservation of Nature (IUCN) đã công bố kết quả nghiệm thu của nghiên cứu dược lý của các nhà nghiên cứu tại Hoffmann-LaRoche trên tạp chí Environmentalist. Nghiên cứu đã “không có bằng chứng nào xác nhận việc sừng tê giác có tác dụng y khoa như một loại thuốc giải nhiệt và cũng không có hiệu quả trong việc giảm sốt như cách thường dùng ở châu Á”
Thí nghiệm cũng chứng minh rằng “sừng tê giác, cũng như móng tay, móng chân người, được tạo thành do sự kết dính của tóc” và “không có khả năng hạ sốt, giảm đau, kháng viêm cũng như làm lợi tiểu” và “không có tác dụng sát khuẩn nào đối với các vết thương bị nhiễm trùng và các loại vi khuẩn đường ruột”. Tiến sĩ Arne Schiotz thuộc WWF đã tổng kết lại rằng: “Điều này chứng tỏ là sừng tê giác không có tác dụng với bất cứ ai ngoại trừ người chủ ban đầu của những chiếc sừng đó. Bạn cũng chỉ có những hiệu quả tương tự với việc nhai chính móng tay của mình”
Tiến sĩ Lorinda chia sẻ: “Người tiêu dùng không phải là kẻ thù của chúng tôi. Người tiêu dùng chỉ là không biết và bị lợi dụng bởi các kẻ tội phạm muốn làm giàu cho bản thân họ từ việc bán các sản phẩm bất hợp pháp. Đừng nên tin vào những người săn trộm, họ chỉ muốn kiếm tiền, và không quan tâm nếu ai đó bị tổn hại từ chất độc của sừng tê giác. Điều chúng tôi quan là sức khỏe mọi người.Vì vậy chúng tôi cam kết 100% để cảnh báo với công chúng rằng đừng mạo hiểm vì sức khỏe của bạn cho những thứ không đáng. Nhiệm vụ của chúng tôi là gửi thông điệp này đến những người dùng sừng tê giác. Và khi người mua nhận thức mối nguy hiểm tiềm tàng thì sẽ không còn ai mua nữa.Không còn người mua thì không còn bọn săn trộm, không còn kẻ bán. "
Dự án Giải cứu tê giác là tổ chức đầu tiên thực hiện việc tiêm độc vào sừng tê giác.