Thương vụ tỷ đô kiểu Metro, BigC không thể "lọt lưới"
Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) khẳng định trước lo lắng thuế sẽ thất thu khoản lớn nếu để “lọt lưới” các DN FDI núp bóng kinh doanh nhượng quyền rồi báo lỗ để né nộp thuế.
“Họ tận dụng, “ăn” hết ưu đãi thuế để hưởng và né thuế, rồi cuốn gói, rút vốn đầu tư và chẳng làm gì nữa. Đây là hình thức đầu tư không chân chính”- ông Phụng nói và coi đây là “nút thắt”, khoảng trống khi áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư hết mức đối với doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng lại không thể làm gì được khi số này rời bỏ thị trường.
Trước khi về tay người Thái, Metro Việt Nam liên tục báo lỗ trong nhiều năm để né thuế |
Chia sẻ bên lề bàn tròn về thuế Việt Nam do ActionAid Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Phụng thừa nhận có thực tế, nhiều nhà đầu tư sau khi hưởng chính sách thuế ưu đãi như ưu đãi mức thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm thuế trong 9 năm tiếp theo… thì giải thể, rút vốn đầu tư.
Đặt cụ thể vào hai trường hợp của doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Metro và BigC, sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam liên tục kêu lỗ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là ví dụ điển hình, nhà đầu tư lợi dụng chính sách thuế ưu đãi, sau khi hưởng hết ưu đãi thì tìm cách rời bỏ, rút vốn.
Đưa ra lý giải, ông Phụng cho hay, DN có vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh có 2 phần: Một phần là bản thân DN đó là thực thể pháp nhân đang hoạt động tại Việt Nam và phần thứ 2 là chủ sở hữu, tức ông chủ thực sự của các DN này.
Với những DN bán lẻ như Metro hay BigC, nếu bản thân thực thể kinh doanh đang lỗ, thì được chuyển lỗ về các năm sau.
“Nhưng vấn đề là DN đang lỗ mà “ông chủ” của nó vẫn bán được với khoản tiền lãi rất lớn thì chúng ta có thu thuế không? Đương nhiên là chúng tôi phải có nhiều biện pháp để thu thuế với các ông chủ này. Đơn cử, ông chủ của Metro bán cơ sở Metro tại Việt Nam và có thu nhập thì chúng ta phải thu thuế”- ông Phụng khẳng định.
Ngoài ra, những DN mua lại các DN này, thay vì đầu tư mới hoàn toàn, họ mua lại DN đang lỗ nhưng có thương hiệu, thì trong lý thuyết có thuế đối với M&A. Trên thế giới vấn đề này là bình thường nhưng với Việt Nam lại hết sức mới mẻ.
Do đó, theo ông Phụng, tất cả hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp liên quan đến sở hữu trí tuệ, thương mại, nhãn hiệu và quyền kinh doanh, trong trường hợp như Metro hay tới đây là BigC, sẽ liên quan đến quyền kinh doanh, thì cơ quan thuế vẫn sẽ thu được thuế ngay cả khi DN này lỗ.
“Chúng ta phải khôn ngoan, không thể bỏ sót nguồn thu. DN có lỗ như vậy, chúng tôi phải tìm cách. Người ta có lỗ hôm nay, nhưng sau đó sẽ tìm cách thu ở lúc khác, đó là trách nhiệm chung”- Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn cho biết.
Như trường hợp của Metro Việt Nam trước khi về với tay người Thái, liên tục báo lỗ liên tục sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam. Dù khi bị “phanh phui” hành vi trốn thuế, chuyển giá, DN này đã phải nộp bù ngân sách 507 tỷ đồng, trong đó gồm tiền giảm khấu trừ VAT, thuế thu nhập DN…
Nhưng để ngăn chặn những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai, ông Phụng nhấn mạnh, một trong điều cần làm hiện tại là rà soát lại hệ thống luật pháp, thể chế để xem những ưu đãi nào là phù hợp, chính sách nào chưa phù hợp thì cần chỉnh sửa, cắt bỏ cho phù hợp.
“Chỉ có thay đổi luật pháp mới là căn cứ đầu tiên để chúng ta quản lý rõ ràng” – ông Phụng nêu.
Chống chuyển giá, ông Phụng cho hay, cơ quan thuế đang tính toán, báo cáo Bộ Tài chính việc mua thông tin của cơ quan nước ngoài. Nhưng việc tìm được nguồn tin để mua thông tin đảm bảo độ tin cậy, có giá trị đang khiến cơ quan thuế cân nhắc.
Trước đó, dư lận xôn xao thông tin giá trị chuyển nhượng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn Casino có thể lên tới 750 triệu euro (khoảng 813 triệu USD).
Thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam có tổng giá trị lên tới 655 triệu Euro (tương đương 879 triệu USD).