Thuốc nhuộm tóc: Nhiều loại không thua thuốc độc
Thuốc nhuộm tóc: Nhiều loại không thua thuốc độc
Thuốc nhuộm tóc "biến người thành voi" tràn ngập thị trường
Thượng vàng, hạ cám
Trong vai chủ tiệm tóc ở Bến Tre đi mua thuốc làm tóc phân phối lại cho “chiến hữu” ở địa phương, tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), PV Infonet được bà H. - “chuyên gia” về sản phẩm nhuộm tóc ở ki ốt số 1X giới thiệu một số sản phẩm duỗi, nhuộm với đủ xác loại xuất xứ.
Chẳng hạn, loại cao cấp có thuốc nhuộm tóc Meizi (Trung Quốc) giá 450.000đồng/hộp; Revlon “xịn” của Mỹ giá từ 360.000- 400.000đồng/hộp, nếu hàng Trung Quốc chỉ 110.000 - 130.000đồng/hộp; thuốc Kanas(Thái Lan) giá 140.000đồng/hộp, trong khi thuốc “xịn” sản xuất từ Thái có giá trên 235.000đồng/hộp…
Hay loại rẻ tiền như: Berina SD345 giá bán 21.000đồng/hộp; thuốc nhuộm tóc SPA chuyên nghiệp ZX34 giá bán chỉ 18.000đồng/ hộp…
Nếu muốn mua loại rẻ nữa, bà H. có loại hàng “xá” dạng lít, bịch đựng trong các can nhựa và cho biết đây là loại tự pha chế từ tá dược và thuốc ép tóc với giá chỉ 14.000-20.000đồng/lít.
Trước đó váo tháng 3/2010, chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) phát hiện chất lentine - một hoá chất được sử dụng phổ biến trong công nghiệp nhuộm, nếu chất này ngấm qua da có thể ảnh hưởng xấu đến thận và gan, bị cấm sử dụng trong thuốc nhuộm tóc như: Ecosystem No1, Sewame Eshine, Kangchen Ouwaiya… Chúng tôi dò hỏi các hiệu thuốc này thì bà H. tỏ vẻ bực tức: “Ở đây không có thứ đó, sang nơi khác mà mua”.
Tại một cơ sở bán phụ liệu tóc ở chợ Bình Tây (Q.6), ngoài một số sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, ở đây còn bán thuốc nhuộm“ Made in Taiwan” như Oya’Deare giá 32.000đồng/hộp; KS Whiet 100ml giá 42.000đồng/hộp… Hay thuốc nhuộm tóc Lancui 60ml người bán giới thiệu là hàng nhập từ Hàn Quốc giá 42.000đồng/hộp (!?)
Tiệm nhỏ, thuốc... “bèo”!
Tình cờ làm quen được với anh Tú - một anh thợ làm tóc ở đường Hưng Phú (Q.8) đi mua nguyên liệu ở chợ Bình Tây, chúng tôi dò hỏi những loại thuốc anh thường dùng cho tiệm là loại gì, anh Tú cho hay "các tiệm bình dân thường dùng một số hàng có giá rẻ, bởi phần lớn khách hàng không quan tâm nhiều đến xuất xứ sản phẩm, chủ tiệm xài bất kỳ loại thuốc nhuộm tóc nào cũng gật, miễn sao đừng gây ra sự cố ngay và sau khi nhuộm tóc".
Quan sát tại một số tiệm uốn tóc bình dân ở phường Tân Kiểng (Q.7), chúng tôi nhận thấy trên các kệ trưng bày mỹ phẩm, thuốc nhuộm dành cho chị em, chủ yếu là các loại thuốc nhuộm của Trung Quốc, Việt Nam, song nhiều chủ tiệm lại “nổ” là “hàng xách tay” của Mỹ hay Đức.
Khi đặt vấn đề vì sao không dùng các loại thuốc nhuộm tóc có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, thì PV nhận được câu trả lời: Những loại trên là hàng “thời trang”, nếu dùng khách phải trả giá cao. Trong khi nhụom bình dân, giá nhuộm tóc cho đầu nam là 100.000đồng/lần và nữ khoảng 120.000đồng/lần.
Thuốc “dỏm” không thua thuốc độc
Ths. BS Huỳnh Huy Hoàng - Trưởng khoa lâm sàng 2 BV Da Liễu TP.HCM cho biết, hầu hết thuốc nhuộm tóc đều có thành phần chất gây ung thư. Theo một nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, nhiều loại thuốc nhuộm tóc hiện có chứa hai chất Paraphenylenediamin (PPD) và chất Isopropyl alcohol. PPD là loại hoá chất thường được dùng trong thuốc nhuộm nếu dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc có thể gây ung thư da, ung thư vú.
Hiện nay, một số nước châu Âu đã cấm dùng hóa chất này. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh rằng chất PPD gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng. Trong khi đó, chất Isopropyl alcoholthì có thể gây trầm cảm, nhức đầu.
Chỉ riêng BV Da liễu TP.HCM, mỗi tháng nơi đây tiếp nhận khoảng 40 - 50 trường hợp đến thăm khám và điều trị do dị ứng mỹ phẩm làm đẹp tóc, nhuộm tóc gây nên, với các triệu chứng: nhẹ là ngứa đỏ tại chỗ, nặng hơn là ngứa đỏ toàn thân, thậm chí đã có nhiều trường hợp bị tai biến do thuốc nhuộm tóc, với những biểu hiện: da đầu sưng đỏ, ngứa, chảy nước vàng, bốc mùi tanh.
Có trường hợp nặng hơn, thuốc lan xuống làm hai mắt sưng đỏ. Song, nhiều nhất là các trường hợp gây rụng tóc, hói đầu. Đặc biệt, với loại thuốc nhuộm càng rẻ tiền, nguy cơ gây bệnh càng cao.
Nguyên nhân phần lớn người nhuộm không có thói quen thử thuốc lên da trước khi đổ lượng lớn hóa chất lên đầu.
Ngoài những bệnh nhân là khách gặp nạn trong việc làm đẹp tóc, khoảng 50% những thợ làm tóc, thợ phụ trong các tiệm uốn tóc, làm móng mắc các bệnh ngoài da do tiếp xúc thường xuyên với thuốc nhuộm.
Theo BS. Hoàng, nhằm hạn chế tối đa các tác hại có thể xảy ra từ loại sản phẩm này, NTD nên mua loại thuốc nhuộm đã dùng quen, có chất lượng tốt, mang theo đến tiệm và yêu cầu thợ nhuộm riêng cho mình. Khoảng cách giữa hai lần nhuộm ít nhất là 6 tháng.
TRẦN NHÃ