Thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) theo khảo sát của một tạp chí có trụ sở tại Singapore, con số thực tế có thể còn cao hơn. Bên cạnh đó, có hơn 40 quỹ đầu tư có hoạt động đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, tuy nhiên các quỹ đầu tư này đều từ nước ngoài, hoặc là nguồn tiền từ nước ngoài mang vào Việt Nam, hoặc là nguồn tiền trong nước nhưng đăng ký từ nước ngoài.
Mặc dù chưa thực sự nhiều doanh nghiệp nổi bật nhưng thành công mới đây của Abivin là nguồn cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Abivin là doanh nghiệp cung cấp giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Abivin giành giải nhất trong Cuộc thhi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2018 tại Techfest 2018 và nhận được giải thưởng trị giá 1.200 USD.
Thêm vào đó, DN cũng nhận được một chuyến thăm quan và học tập tại Thung lũng Silicon và cơ hội tham gia cuộc thi Startup World Cup tại Mỹ. Ngày 15/7/2019, Abivin đã xuất sắc vượt qua đại diện của 40 quốc gia trên thế giới, giành giải Nhất với giải thưởng trị giá 1 triệu USD tiền đầu tư tại Cuộc thi này.
Năm 2018 lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị định về việc thành lập Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên, theo bà Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, đến nay mới chỉ có 1 Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST được thành lập, bởi công cuộc đăng ký thành lập không hề đơn giản.
Ngoài ra có một số Quỹ đầu tư trực thuộc tập đoàn và không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó, Vingroup mới đây đã mở ra hai quỹ đầu tư là Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và KHCN (2.000 tỷ đồng) và Quỹ Vingroup Ventures (300 triệu USD).
Với các nhà đầu tư thiên thần, một số mạng lưới đáng chú ý cho các nhà đầu tư thiên thần bao gồm Hatch! Angel Network, iAngel, Angel4us,…là những nhà đầu tư rót vốn ban đầu cho những ý tưởng khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp Khởi nghiệp ĐMST tham gia triển lãm tại Techfest 2018. |
Theo thống kê trong năm 2018 có 92 thương vụ với tổng giá trị 889 triệu USD được các quỹ đầu tư rót vốn. Số lượng thương vụ không tăng so với năm 2017 nhưng tổng số vốn đầu tư tăng gấp 3 lần do tỷ lệ thoái vốn giai đoạn sau rất cao.
Yeah1!, mạng truyền thông đa phương tiện hoạt động trong cả kênh truyền thống và kỹ thuật số, được coi là doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán. Cũng trong năm 2018, ngành công nghệ tài chính, thương mại điện tử và du lịch là 3 trọng tâm đầu tư hàng đầu.
Năm 2018 cho thấy sự phát triển của văn hóa và truyền thông về khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam, với hơn 100 sự kiện liên quan đến các hoạt động và cộng đồng khởi nghiệp.
Nhận thức về khởi nghiệp ĐMST và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, thể hiện bởi Techfest 2018, sự kiện khởi nghiệp lớn nhất với sự tham dự của các Chính phủ, chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Theo bà Phan Hoàng Lan, các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng là thành phần cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hiện có khoảng 40 cơ sở ươm tạo và 12 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng là nơi các cơ sở ươm tạo thường lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp ở giai đoạn thử nghiệm sản phẩm hoặc đang trong giai đoạn chào bán sản phẩm ra thị trường.
Ở các tỉnh thành khác, các cơ sở ươm tạo thường lựa chọn ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp theo một số lĩnh vực và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Thông thường, những cơ sở ươm tạo là những đơn vị công lập thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, họ sẽ tư vấn hoàn thiện công nghệ như thế nào và gần như hoạt động phi lợi nhuận. Trong khi đó, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh thường có những tư vấn về gọi vốn chứ không có nhiều về công nghệ và họ thu lời từ 5-10% cổ phần của công ty được họ hỗ trợ,” bà Phan Hoàng Lan cho biết.
Một thành phần rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đó là những nhà cố vấn (Mentors). Doanh nghiệp trẻ với những bước đi đầu tiên rất cần có những người dìu dắt nên những nhà cố vấn gần như làm miễn phí cho các doanh nghiệp. Một số dự án cung cấp dịch vụ cố vấn đáng chú ý tại Việt Nam như: “Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam” (Vietnam Mentors Initiative – VMI), bao gồm các tổ chức cung cấp dịch vụ cố vấn ở Việt Nam như Mạng lưới cố vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME Metoring Network).
Theo báo cáo tổng kết năm 2018 của VMI, đã có 234 nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng dịch vụ cố vấn khởi nghiệp, 190 nhà cố vấn khởi nghiệp tham gia và VMI đã đào tạo được 292 nhà cố vấn khởi nghiệp.
Nhằm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã thành lập các CLB, trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm tiêu biểu như: BK-Holdings (Đại học Bách Khoa), Trung tâm hỗ trợ và chuyển giao tri thức và ĐMST (ĐHQG Hà Nội).
Ngoài ra, các trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương,… đều đã có những chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Năm 2016 được coi là bước tạo đà cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khới nghiệp ĐMST đến năm 2025) được thông qua. Từ đó đến nay, một loạt các chương trình hỗ trợ đã được phê duyệt như: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939); Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” (Đề án 1665); Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF); Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF).
Về hành lang pháp lý, đã có một số chính sách hỗ trợ thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.
Theo lý thuyết cũng như sự phát triển tự nhiên của rất nhiều DN khởi nghiệp, các DN cần có thị trường cả trong và ngoài nước. Trong năm 2018, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã phát triển nhiều kết nối với cộng đồng quốc tế, bao gồm các sự kiện để két nối hệ sinh thái và Việt Nam. Cộng đồng khởi nghiệp, các tổ chức liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã hợp tác, kết nối với cộng đồng quốc tế thông qua các lễ ký kết.