Thực phẩm vào đợt tăng giá mới
Theo khảo sát tại các chợ ở Hà Nội, sau đợt tăng giá xăng, nhiều mặt hàng thực phẩm đã rục rịch tăng giá.
Một số loại thực phẩm đã bắt đầu tăng giá |
Tại chợ đầu mối, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định song ở các chợ lẻ, chợ cóc giá thực phẩm đã đội giá lên khá cao, tăng từ 1.000- 4.000 đồng/mớ hoặc kg.
Tại chợ Hoàng Mai, chợ cóc Hoàng Văn Thụ, một số mặt hàng đã bắt đầu tăng giá nhẹ: rau cải 7.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng, cá rô phi 35.000- 45.000 đồng/kg, ngao 18.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng như cà chua tăng giá mạnh từ 18.000 lên đến 25.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng so với tuần trước.
Mặt hàng thịt lợn có biến động nhẹ, tăng từ 5-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, thịt lợn thăn 100.000 đồng/kg, nạc vai 90.000, ba chỉ 90.000-95.000 đồng/kg...
Chị Thủy, một tiểu thương tại chợ đầu mối cho biết, sáng nay giá măng tươi chị nhập đã tăng 5.000 đồng mỗi yến nhưng giá bán ra vẫn giữ nguyên.
“Hiện tại chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán nhưng đợi xem, nếu tới đây nhập hàng giá cao thì chúng tôi buộc phải đẩy giá bán thì mới có chút lãi", chị Thủy nói.
Bên cạnh đó, các hãng vận tải rục rịch tính đến phương án điều chỉnh giá cước vận tải để tránh bù lỗ.
Đại diện Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, sau một số lần điều chỉnh tăng giá xăng gần đây, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ thuộc Hapro đều đã nhận được thông báo điều chỉnh tăng giá từ một số nhà cung cấp trước khoảng 15 ngày, trong đó một số mặt hàng có điều chỉnh giá như: Thủy hải sản đông lạnh, mì chính, nước mắm, gia vị và một số thực phẩm khô. Mặt hàng dầu ăn chưa tăng giá.
Căn cứ vào thông báo tăng giá của các nhà cung cấp, thì những mặt hàng nhận được thông báo tăng giá, siêu thị đã điều chỉnh tăng giá theo mức tăng do nhà cung cấp điều chỉnh khoảng từ 5% đến 7% so với giá cũ của sản phẩm.
Theo quy định chung trong hợp đồng mua bán giữa Hapro và các nhà cung cấp đề quy định rất rõ về việc bên bán phải có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản khi có bất kỳ điều chỉnh nào liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá bán sản phẩm. Từ đó, hệ thống siêu thị kịp thời triển khai quy trình thông báo rõ ràng tới người tiêu dùng. Chính sách/giá bán mới sẽ được áp dụng sau khoảng 15 ngày từ khi nhận được thông báo của nhà cung cấp.
Kể từ đầu năm tới nay giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 10 lần, nhưng riêng mặt hàng xăng đã điều chỉnh 5 lần. Nói về tác động của việc điều chỉnh xăng dầu liên tục này, đại diện Hapro cho biết, trong thời buổi kinh tế khó khăn việc điều chỉnh tăng giá từ các đơn vị kinh doanh trực tiếp cũng như gián tiếp đều ảnh hưởng đến hoạt động của siêu thị, siêu thị sẽ phải cân đối giá để điều chỉnh hợp lý cho người tiêu dùng. Với việc áp dụng trọng tải xe (các nhà sản xuất đã không dám chở hàng vượt quá trọng tải như trước kia), giá xăng điều chỉnh tăng, cũng đã dẫn tới các nhà sản xuất, cung cấp điều chỉnh tăng giá các mặt hàng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và bù lỗ vào chi phí vận chuyển.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: từ đầu năm đến nay xăng dầu đã tăng giá 5 lần, giáng thêm một đòn nữa vào sức mua. Xăng dầu tăng giá tác động vào chi phí vận chuyển, đẩy giá hàng hóa tăng và kéo theo sức mua chậm. Trong khi công nhân lương không đủ sống, hàng trăm doanh nghiệp phá sản, việc tăng giá xăng sẽ kéo theo một hiệu ứng dây chuyền tăng giá. Những người không trực tiếp không sử dụng xăng dầu cũng tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chẳng hạn như từ bà bán nước chè cũng có thể sẽ tăng giá bán.
“Trăm dâu lại đổ đầu tằm", mỗi lần tăng thì nhanh mà giảm thì chậm, sức mua cũng teo tóp theo.
Theo ông Phú, để đối phó với tình hình này có thể các nhà sản xuất sẽ không tăng giá mà bù lại là rút trọng lượng sản phẩm. Cuối cùng gánh nặng lại đổ lên vai người tiêu dùng.