Thuật toán ma quỷ của YouTube hoạt động ra sao?
Hệ thống đề xuất video tự động của YouTube từng bị chỉ trích nhiều trong quá khứ vì có thể tự đưa ra những video thuộc chủ đề độc hại, dù người dùng không chủ động tìm kiếm đến chúng.
Mục đích của hệ thống đề xuất là gì?
Google cho biết hệ thống đề xuất của họ sử dụng AI để gợi ý cho người dùng những gì phù hợp nhất với họ. Tuy nhiên thực tế cho thấy hệ thống này còn rất nhiều vấn đề. Guillaume Chaslot, cựu nhân viên của Google từng làm việc với thuật toán đề xuất cũng chỉ ra vấn đề này.
“Thật tệ là YouTube lại sử dụng AI để đề xuất video cho bạn. Nếu nó hoạt động đúng, nó sẽ giúp bạn tìm được chính xác thứ mình muốn, điều đó thực sự rất tuyệt. Tuy nhiên, vấn đề là trí tuệ nhân tạo không được tạo nên để cho bạn thấy thứ mình muốn, mà để bạn nghiện YouTube. Hệ thống đề xuất được thiết kế để tiêu tốn thời gian của người dùng”, Chaslot nói với TNW.
Từng làm việc tại Google, Guillaume Chaslot tạo ra công cụ để người dùng nhận biết hệ thống đề xuất của mạng xã hội này hoạt động như thế nào. Ảnh: AlgoTransparency. |
Theo Chaslot, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một đề xuất ”thành công” là thời gian xem. Thời gian xem càng dài, YouTube càng hiển thị được nhiều quảng cáo hơn tới người dùng, nhưng đó không hẳn là những gì người dùng muốn.
Chính vì YouTube nhấn mạnh vào thời gian xem, những nội dung như thuyết âm mưu, tin giả sẽ được đề xuất thường xuyên hơn. Những nội dung như thế này được xếp vào dạng “nhạy cảm”, tức là không vi phạm chính sách của YouTube nhưng vẫn chứa những chủ đề gây khó chịu hoặc xúc phạm đối tượng cụ thể.
Đối với những người xem thích xem một chủ đề đặc thù, như âm nhạc hoặc game, hệ thống đề xuất hoạt động ổn. Tuy nhiên với những người coi YouTube như một kênh thông tin, tin tức thì những đề xuất từ mạng xã hội này có thể khiến lan truyền thông tin giả, khiến nhiều người tiếp nhận các thông tin cực đoan. Càng có nội dung nhạy cảm, gây tranh cãi, video càng dễ khiến người xem bấm vào và xem lâu hơn, và lại càng được hệ thống đề xuất nhiều hơn.
“Chúng ta phải nhận ra rằng hệ thống đề xuất của YouTube độc hại và làm sai lệch mọi sự tranh luận. Hiện tại, hệ thống này thúc đẩy các nội dung nhạy cảm, không bị cấm nhưng thu hút sự quan tâm”, Chaslot cho biết.
Đi tìm giải pháp chế ngự AI
Cựu nhân viên của Google đã nhiều lần lên tiếng về mục đích cuối cùng của hệ thống gợi ý trên YouTube. Anh thậm chí còn tạo ra công cụ có tên AlgoTransparency sau khi rời YouTube để cho mọi người thấy rõ mạng xã hội này gợi ý video dựa trên những gì.
AlgoTransparency cho thấy những video được chia sẻ nhiều nhất trên những kênh nổi tiếng. Khi điều tra viên đặc biệt Mueller công bố bản kết luận điều tra sự dính líu của Nga trong thời gian bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Chaslot chỉ ra rằng video được những kênh YouTube chia sẻ nhiều nhất trong thời gian đó là một video từ RT, đài phát thanh quốc gia của Nga.
Theo cựu nhân viên Google, thuật toán của YouTube có mục đích tối thượng là lôi kéo người dùng xem lâu hơn, do vậy những nội dung nhạy cảm càng được đề xuất nhiều. Ảnh: Reddit. |
Anh chỉ rõ rằng video này có số lượt đề xuất tăng đột biến trong vòng 2 ngày, sau đó gần như không được đề xuất. Số lượt xem của video trên kênh RT cũng khá thấp.
“Thật kỳ lạ khi nhìn thấy có ngần ấy kênh giới thiệu video này, nhất là khi xét số lượt xem của nó. Chẳng ai hiểu vì sao video lại được đề xuất”, Chaslot kết luận.
Khi được hỏi, Google phủ nhận cách giải thích của Chaslot, và nói rằng họ không thể nói rõ hệ thống đề xuất trên YouTube hoạt động dựa trên những gì. TNW cũng thử tạo một hệ thống kiểm định lại như AlgoTransparency, nhưng không thể có kết quả giống như những gì Chaslot đã công bố.
Chaslot cho biết để thực sự kiểm định những lời anh nói, Google phải minh bạch hơn về hệ thống đề xuất của mình. Tuy nhiên, đến giờ chủ sở hữu YouTube nói rất ít về hệ thống này.
Những phần mềm mở rộng cho trình duyệt như Nudge có thể lọc các nội dung gây nghiện trên mạng xã hội, nhưng đây chỉ là giải pháp cho hậu quả chứ không phải khắc phục nguyên nhân. Ảnh: TNW. |
“Giải pháp ngắn hạn tốt nhất là xóa luôn chức năng đề xuất. Tôi không nghĩ đây là tính năng hữu ích cho người dùng. Nếu YouTube muốn đề xuất, họ nên gửi qua email hoặc chỉ gợi ý những kênh mà người dùng đăng ký”, Chaslot chia sẻ.
Ngoài ra, cựu nhân viên Google cũng khuyên dùng một phần mềm mở rộng cho Chrome có tên Nudge để xóa các nội dung gây nghiện trên Facebook và YouTube. Tất nhiên, những cách làm này chỉ giúp loại bỏ hậu quả chứ không phải nguyên nhân. Chaslot cho rằng nên tập trung vào giải pháp khắc phục dài hạn.
“Trong dài hạn, con người cần phải kiểm soát được AI, chứ không phải để AI điều khiển con người”, Chaslot chia sẻ.