Thua đường lậu, đường nội xin xuất khẩu sang Trung Quốc
Thua đường lậu, đường nội xin xuất khẩu sang Trung Quốc
Mía ứ đọng, khô xác trên sông tại tỉnh Sóc Trăng (Ảnh SX)
Theo Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang), những ngày qua, lượng mía về nhà máy ùn ứ đã trên 10.000 tấn, nhưng công suất tối đa của nhà máy chỉ 3.000 tấn mía/ngày. Lượng đường tồn kho nhiều dẫn tới áp lực lãi suất ngân hàng lớn.
Hiện giá đường bán tại nhà máy chỉ còn 15.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi giá thành sản xuất là hơn 16.000 đồng/kg, chưa tính lãi vay ngân hàng, mỗi kg đường tồn kho phải gánh thêm 250 đồng tiền lãi. Bởi vậy mà tiền thanh toán cho nông dân gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nay, Nhà máy phải nợ tiền mía của bà con nông dân tới 5 ngày mới trả nổi”, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre cũng cho biết, Công ty còn trên 5.000 tấn đường tồn kho, trong khi mỗi ngày cần từ 2,5 – 3 tỷ đồng mua mía. Tiêu thụ khó khăn nên Công ty phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn vốn vay để thanh toán tiền mía cho dân.
Nhiều doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL cho rằng, lượng đường lậu vào Việt Nam hiện nay không kiểm soát được. Từ đó dẫn đến giá đường trong nước buộc phải phụ thuộc vào giá bán đường nhập lậu. Đường lậu giảm giá, đường trong nước buộc phải giảm theo để có thể bán được hàng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu doanh nghiệp không bán được đường sẽ kéo theo người trồng mía ôm một đống mía không biết bán cho ai.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang đề xuất với Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương cho phép xuất khẩu 100.000 – 150.000 tấn đường sang Trung Quốc nhằm giảm áp lực tồn kho. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hồi vốn nhằm trả tiền mía cho dân và tiếp tục sản xuất đến cuối vụ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã đồng ý nhưng Bộ Công thương vẫn chưa chính thức phê duyệt.
Mỹ Lộc