Thủ tướng: Ngân hàng vẫn còn tình trạng sở hữu chưa minh bạch
Chiều 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới các nhóm vấn đề mà ĐBQH đã chất vấn 4 vị Bộ trưởng. Ngoài báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội 10 tháng, nợ công và nợ xấu là 2 nội dung chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Về nợ xấu và xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay đã nhận được khá nhiều câu hỏi chất vấn từ các ĐBQH. Theo báo cáo thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tháng 9/2012 nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng tới 17% khiến nhiều DN không vay được vốn, sản xuất kinh tế khó khăn, đình trệ và ảnh hưởng trực diện tới tăng trưởng kinh tế. Một số ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Trước tình hình này Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt phấn đấu tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015. |
Nhờ tích cực tăng cường giám sát, kiểm tra, thu hồi nợ, cơ cấu lại và phân loại nợ... tới hết tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012. Riêng Công ty Quản lý Tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua được gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó bán, thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu và có lãi.
Dẫn báo cáo của các TCTD, người đứng đầu Chính phủ cho hay, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã giảm về khoảng 3,8% vào cuối tháng 9/2014, tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 8 là 3,9% ... Ước tính tới cuối 2014 nợ xấu giảm còn khoảng 2,5-2,7%.
Tuy nhiên, theo báo cáo NHNN, tỷ lệ nợ xấu các TCTD sẽ giảm về 3,7-4,2% vào cuối năm 2014 so với mức 17% vào tháng 9/2012.
"Sở dĩ NHNN đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn do đánh giá và phân loại nợ chặt chẽ hơn các TCTD. Điều này cho thấy, năng lực tài chính, thanh khoản của các TCTD đã được cải thiện đáng kể" - người đứng đầu Chính phủ đánh giá.
Theo Thủ tướng, kinh nghiệm thực tế các nước để xử lý nợ xấu sẽ phải chi một khoản tiền lớn từ ngân sách và khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, nhưng ở Việt Nam ngược lại, pháp lý chưa hoàn thiện và ngân sách cũng không có nguồn chi cho khoản này.
"Do đó, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua là một nỗ lực lớn của ngành ngân hàng. Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh xử lý hiệu quả nợ xấu. Mục tiêu phấn đấu đưa nợ xấu về mức an toàn vào cuối năm 2015"- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những "điểm nghẽn" vẫn đang tồn tại trong hệ thống tiền tệ, như hiệu quả hoạt động nhiều ngân hàng chưa cao, tình trạng sở hữu chưa minh bạch. Chính vì thế, thời gian tới Chính phủ sẽ nhanh chóng hoàn thiện pháp lý tạo thuận lợi xử lý nợ xấu, đặc biệt là mua bán nợ, tài sản bảo đảm. Cùng với đó, hoàn thiện chức năng tăng cường tiềm lực tài chính, phát huy vai tò VAMC.
Cũng báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đạt kết quả rất khả quan, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng khoảng 10%, cả năm 2014 dự kiến tăng 12%. Mặt bằng lãi suất giảm từ 1,5-2% so với trước, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. 11 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 130 tỷ USD tăng 13,7%; nhập khẩu đạt 135 tỷ USD tăng 12,6%. Xuất siêu đạt 2 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện được 11,2 tỷ USD tăng 6,16%; giải ngân vốn ODA đạt 4,96 tỷ USD tăng 5%. Cũng trong 11 tháng đầu năm 2014 đã có trên 237 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 7,8%.
"Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 hoàn toàn có khả năng đạt trên 5,8%"- Thủ tướng khẳng định.
Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đề ra để chủ động cân đối cung - cầu, không để có biến động lớn về thị trường giá cả những tháng cuối năm, đảm bảo người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.