Thủ tướng: Không ổn định kinh tế vĩ mô, không thể giảm lãi suất
Doanh nghiệp kiến nghị gì?
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, tại buổi đối thoại với Thủ tướng sáng 28/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu các nhóm vấn đề lớn trong số hơn 300 kiến nghị của doanh nghiệp (DN) với Chính phủ.
Trước hết, các DN đề nghị thực hiện phương châm khoan sức cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2 – 3 năm trước mắt. Theo phương châm này, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến tiếp cận tín dụng và hạ lãi suất. |
Bên cạnh đó, DN mong muốn được xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng; Rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp; Tiến tới xây dựng Luật phí và lệ phí thống nhất.
Các DN đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất đã xuống tương đối thấp nhưng do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo nên nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.
DN kiến nghị áp dụng hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, mở rộng bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới Quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các địa phương, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, cho vay theo kế hoạch sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Sớm đưa Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tiên phong…
Ngoài những hạn chế về quyền kinh doanh các doanh nghiệp FDI được quy định theo các điều ước quốc tế về mở cửa thị trường, các DN đề nghị phải bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm công. Mặc dù luật pháp, chính sách không có sự phân biệt, nhưng có sự phân biệt trên thực tiễn đã hạn chế cơ hội phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân trong nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị cuộc gặp Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tổ chức thường niên.
Thủ tướng: DN cần nỗ lực vươn lên
Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Nhìn lại hơn 3 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, song với nỗ lực chung của cả nước, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Nổi bật là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, năm sau cao hơn năm trước; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị -xã hội ổn định; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh quốc phòng được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Những thành quả đạt được có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên trong khó khăn. |
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của DN, trong đó nổi lên là số lượng DN còn ít, quy mô DN còn nhỏ (97-98% là DN vừa và nhỏ); vốn ít, sử dụng lao động chưa nhiều; sức cạnh tranh của DN tuy có được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt; năng lực quản trị còn nhiều hạn chế; môi trường kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng DN, các hiệp hội chung sức, chung lòng, nỗ lực thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Thủ tướng lưu ý cần đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi đây là yếu tố mang tính chất quyết định. Muốn làm được điều này, phải đảm bảo được sự ổn định chính trị-xã hội; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc để cộng đồng DN yên tâm hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh; DN được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh; quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, đất đai, thủ tục thanh tra, kiểm tra.
Liên quan đến vấn đề tín dụng, Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được tín dụng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cụ thể việc tạo điều kiện tối đa cho DN, đồng thời phải bảo đảm được tín dụng, chăm lo phát triển thị trường vốn, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng và DN. Thêm vào đó, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô vì không ổn định thì không giảm lãi suất được.
Khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, Thủ tướng cũng đề nghị các DN phải hết sức nỗ lực vươn lên, trong đó cần đặc biệt lưu ý tái cơ cấu trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh để hoạt động hiệu quả hơn. Trong tái cơ cấu, cần hết sức chú ý ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các DN, hiệp hội phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều này vừa để cho DN thành công, vừa để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước; rất mong cộng đồng DN nỗ lực phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức để thành công”.
Thủ tướng cũng cho biết sau Hội nghị này, tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN sẽ được Văn phòng Chính phủ chuyển đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý.