Thủ tướng dự COP21 - Khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Việt Nam – thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế
Tối 29/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp để tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).
Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015), theo đó các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.
Có thể nói, đây là một hội nghị có ý nghĩa quyết định để các nước đạt mục tiêu chung và rất cấp bách vì sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP 21, Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN |
Cùng với hơn 2.000 đại biểu của 196 nước tham gia công ước LHQ về biến đổi khí hậu, trong đó có 150 nguyên thủ quốc gia tham dự, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị COP 21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Không chỉ thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu, việc phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự sự kiện này còn cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở thành một thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc và của cộng đồng quốc tế tham gia vào những vấn đề mang tính toàn cầu, vì sự tồn vong của nhân loại.
Tại sự kiện trọng đại này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có bài phát biểu trước 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đại diện cho 196 thành viên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta có mặt tại Hội nghị COP 21 để bày tỏ cam kết ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng ĐứcAngela Merkel. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, từ nay đến năm 2020, mặc dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam vẫn sẽ tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Việt Nam khẳng định thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời cam kết Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, trong giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Sự tham gia tích cực của một đất nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam đã tạo ra niềm tin và sự củng cố đối với hoạt động chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, tạo khích lệ cho các quốc gia đang phát triển khác cùng tham gia vào chương trình.
Tại phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam trong công tác chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và đối tác liên quan nhằm khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào công tác chống biến đổi khí hậu của khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Anh |
Các bài phát biểu và tham luận mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại COP 21 đã được cộng đồng quốc tế rất chú ý và đánh giá cao.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), bà Anne Marie Descote, Tổng giám đốc đặc trách Toàn cầu hóa phát triển và đối tác (Bộ Ngoại giao Pháp), cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam và đến những gì Việt Nam đã làm liên quan đến các vấn đề rất đặc thù của vùng châu thổ sông Mêkông. Tôi cho rằng việc tổ chức hội nghị này là một ý tưởng tuyệt vời thời điểm diễn ra Hội nghị COP 21… Trong các tài liệu mà chúng tôi có được và trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chính phủ Pháp rất quan tâm và ủng hộ cách tiếp cận mà Việt Nam đã chọn lựa. Đó là cách tiếp cận tổng thể, cố gắng tính đến những vấn đề một cách toàn bộ. Tổng thể không chỉ đơn giản là có sự can thiệp, quyết định của chính quyền trung ương mà còn cả với chính quyền địa phương, với các tổ chức xã hội dân sự và quan tâm lo lắng đến vấn đề của người dân”.
Dường như cảm thấy “khen Việt Nam” như thế vẫn là chưa đủ, bà đại diện của Bộ Ngoại giao Pháp còn tiếp tục khẳng định trong bài phát biểu của mình: “…Nhân loại đang đứng trước những vấn đề nghiêm trọng, cần phải khẩn cấp hành động, nhưng cũng có những giải pháp. Có nhiều giải pháp tốt, như ta thấy qua ví dụ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng cần phải tập trung vào những ví dụ cụ thể đã và đang tiến hành tốt đó, để giúp cho các vùng khác cũng được thừa hưởng”.
“Việt Nam là một trong những nước tiên phong”
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu đã thể hiện sự tích cực của Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và được cộng đồng quốc tế ghi nhận khi có đến 24 cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế và nguyên thủ quốc gia tham dự COP21 ở Paris.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartelone. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã khẳng định: “Việt Nam là một trong những nước tiên phong, là mô hình phát triển cho các nước. Việt Nam đã làm được rất nhiều điều tạo nên sự khác biệt cho đất nước".
Tại các cuộc gặp với lãnh đạo các tổ chức quốc tế và nguyên thủ quốc gia khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn các nước về sự ủng hộ và giúp đỡ hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đề nghị các nước tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ lâu dài, thiết thực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian tới.
Thủ tướng cũng đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước; đồng thời đề nghị các nước đối tác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các Cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp chủ động, tích cực vào việc gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển ở khu vực và trên thế giới; kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam liên quan đến Biển Đông.
Điểm nổi bật trong các cuộc gặp song phương này là việc các nước bày tỏ sự khâm phục đối với những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam thời gian qua. Lãnh đạo các nước khẳng định vai trò và uy tín cao của Việt Nam tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và trên trường quốc tế nói chung . Các nước cũng đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu; hài lòng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ với Việt Nam thời gian qua, khẳng định rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại COP 21, một lần nữa, đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế đối với bạn bè thế giới.