Thủ tướng chỉ đạo tái cơ cấu ngay bộ máy cồng kềnh ở Bộ Công Thương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều ngày 12/7. Nói về vấn đề tái cơ cấu, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết phải tái cơ cấu bộ máy cồng kềnh dẫn đến kỷ cương buông lỏng, tính tương tác, hiệu quả thấp.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương |
Đặc biệt công tác cán bộ tại Bộ Công thương thời gian qua còn nhiều bất cập, gây mất uy tín của ngành.
“Hiện Bộ Công Thương có đến 30 cục, vụ, chưa kể các viện thuộc các tập đoàn, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty...với hàng vạn người. Chúng ta phải tái cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, hội nhập quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ phải tái cơ cấu ngay bộ phận mình phụ trách, có như vậy mới tiến bộ được.
“Bộ máy cồng kềnh, đi vào rồi lại đi ra, làm việc không có hiệu quả thì làm sao phát triển được”, Thủ tướng nói.
Tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của ngành công thương trong việc duy trì tăng trưởng tốc độ sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu song Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại hạn chế, bất cập tại Bộ Công thương như: gian lận thương mại, hàng giả hàng kém chất lượng chưa được giải quyết triệt để; bán hàng đa cấp gây bức xúc cho xã hội.
Trong ngành công thương, việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa hiệu quả, tỉ trọng vốn cổ phần hóa thấp. Yêu cầu Bộ Công Thương phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp công khai, minh bạch.
Công tác thông tin truyền thông cho doanh nghiệp về hội nhập chưa đầy đủ, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng hết cơ hội do hội nhập đem lại.
Với thị trường trong nước, một số tập đoàn bán lẻ rơi vào tay nước ngoài.
“Đây là điều rất trăn trở khi phân phối là hoạt động rất quan trọng, nếu doanh nghiệp không hướng vào đất nước trên 90 triệu dân này thì sẽ là sai lầm”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Nhiều mặt hàng chỉ mới thu được tiền công chứ chưa có giá trị gia tăng đích thực.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phải tăng cường minh bạch, trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa cơ chế xin cho, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.
Ngành công thương phải thay đổi cơ bản cách quản lý để xây dựng một nền kinh tế thị trường thực chất, hiệu quả.
"Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, Nhà nước chỉ tập trung vào những việc mà thị trường làm không tốt. Tổ chức, quản lý thị trường bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, chống độc quyền", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ thứ hai là làm sao để công nghiệp, thương mại trong nước dịch chuyển lên nhanh trong chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới sáng tạo, kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và FDI. Nếu không đi vào con đường này, chúng ta sẽ tiếp tục một nền kinh tế đơn thuần về gia công, nhỏ giọt.
Thứ ba, phải huy động khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo động lực, điều kiện cho họ nỗ lực sáng tạo, tiếp thu khoa học công nghệ. Doanh nghiệp nhà nước phải nhỏ đi và hiệu quả hơn, doanh nghiệp tư nhân phải càng lớn mạnh.
Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu các cán bộ phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, đề xuất cải cách thể chế, cơ chế chính sách, tổ chức thực thi, …báo cáo chính phủ. Hình thành tư duy định hướng lớn của Chính phủ là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng có nhắc đến Formosa trong việc thu hút đầu tư, tăng trưởng: “Bài học mà Formosa để lại là gì, chúng ta đều suy nghĩ mà thu hút tăng trưởng. Tôi đề nghị lãnh đạo các bộ, địa phương, phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, Thủ tướng và nhân dân nếu để xảy ra thảm họa môi trường tiếp theo”.
Theo Thủ tướng, Chính phủ kiên quyết bảo vệ môi trường, kể cả môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, cạnh tranh và đặc biệt là môi trường sống của người dân.
“Chúng ta không thể phát triển bất cứ giá nào, hi sinh đời sống tối thiểu của người dân để lấy phát triển”, Thủ tướng quả quyết.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra mục tiêu cho ngành công thương phải xuất khẩu đạt mức bằng hoặc hơn 10% so với năm 2015.