Thủ tục hải quan làm khó DN
Thủ tục hải quan làm khó DN
Doanh nghiệp thủy sản đang gặp nhiều khó khăn vì những bất cập của thủ tục hành chính - Ảnh: TN
Đại diện Công ty TNHH thủy sản Gió Mới cho biết, trong thời gian vừa qua, công ty gặp sự cố kháng sinh tại thị trường Nhật Bản nên một số lô hàng bị trả về khiến hoạt động xuất khẩu bị ngừng trệ và gián đoạn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi lô hàng bị trả về, công ty phải nhận lại thì phía hải quan vẫn yêu cầu công ty phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Do vậy, doanh nghiệp phải “lách” bằng cách sẽ khai số hàng bị trả về là hàng tái chế để thanh lý lô hàng và không bị thu phí.
Trường hợp nếu không có tiền nộp thì doanh nghiệp phải được ngân hàng bảo lãnh, chứ hải quan nhất định không cho doanh nghiệp thời gian để chứng minh đây là hàng bị trả về!
Ngoài ra, việc lấy mẫu kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu cũng tốn kém cả chi phí lẫn thời gian cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tại các nước là đối thủ cạnh tranh về thủy sản của Việt Nam như Thái Lan thường phân loại doanh nghiệp thành 4 loại A, B, C, D.
Trong đó, doanh nghiệp loại A sẽ 3 tháng lấy mẫu 1 lần để kiểm nghiệm, loại B 2 tháng, loại C 2 tuần và loại D là ngày nào cũng lấy.
Trong khi đó, tại Việt Nam cũng phân loại doanh nghiệp thành 4 loại như trên nhưng loại A ngày nào cũng kiểm tra theo nguyên tắc “5 lô kiểm 1 lô”. Do đó, doanh nghiệp cứ “dài cổ” đợi cơ quan chức năng kiểm nghiệm và cấp giấy chứng thư từ 7 – 10 ngày làm giảm hẳn lợi thế cạnh tranh.
Đó là chưa kể, chi phí kiểm nghiệm cho mỗi lô hàng quá tốn kém, với mức phí phải trả tăng trung bình 1,5 – 2 lần so với trước đó.
Tương tự, những doanh nghiệp nhập khẩu cũng đang “sống dở chết dở” khi áp dụng Thông tư số 01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thông quan hàng hóa nhập khẩu phải qua kiểm dịch.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) cho rằng, nếu áp dụng Thông tư này, hàng hóa phải kiểm dịch chỉ được phép mang ra khỏi cảng khi có Giấy vận chuyển hàng hóa hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch.
"Như vậy, so với quy định cũ, thời gian được nhận hàng sẽ chậm hơn. Điều này khiến doanh nghiệp vất vả hơn khi trải qua quá nhiều công đoạn và trả nhiều chi phí khác nhau như tiền kho bãi lưu hàng, tiền điện… làm cho chi phí nhập khẩu tăng cao, gây áp lực mục tiêu tăng trưởng cho doanh nghiệp", bà Lan lý giải.
Trao đổi với PV, ông Dũng cho hay, trong thời gian tới, Vasep sẽ tập hợp những ý kiến của doanh nghiệp trong ngành thủy sản về những vướng mắc trong thủ tục hành chính, mức lệ phí kiểm dịch, phí kiểm tra an toàn vệ sinh nông, lâm, thủy sản xuất nhập khẩu. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định kinh doanh, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành thủy sản trong năm 2012 là 6,5 tỉ USD.
Thúy Ngà