Thứ trưởng Tài chính: Thu phí soi chiếu container của DN là phạm luật
Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn cho biết, mỗi lần mở tờ khai hải quan làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, DN phải nộp lệ phí 20.000 đồng. Quy định không cho nộp tiền mặt, DN phải thanh toán bằng chuyển khoản qua kho bạc, tốn phí chuyển khoản 16.500 đồng. Có điều, nếu DN thanh toán chậm sẽ bị đưa vào diện nợ thuế và bị cưỡng chế, trong khi tiền thuế DN nộp hàng chục, trăm triệu có khi cả tỉ đồng lại không chậm. Nên bỏ khoản lệ phí này vì quá nhỏ và mất thêm thời gian của DN.
Trước phản ánh này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, DN nợ lệ phí thì không phải đưa vào cưỡng chế. DN nào chỉ nợ phí này mà bị cưỡng chế thì cần thông báo cho Tổng cục hải quan. "Những đơn vị nào vì 20.000 đồng mà làm khó DN thì chúng tôi sẵn sàng xử lý", ông nói.
Nhiều DN phản ánh tình trạng ngành hải quan trang bị máy soi chiếu container, kiểm tra hàng hóa nhưng lại bắt DN nộp phí soi chiếu. Hàng hóa được hải quan xác định luồng đỏ phải kiểm tra qua máy soi container là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, không nên bắt DN phải tăng thêm chi phí.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay khi nhận được phản ánh về việc DN phải đóng các loại phí để soi chiếu hàng hóa, container, ông đã yêu cầu Tổng cục hải quan kiểm tra, rà soát lại.
“Đây là phí do các công ty kinh doanh cảng đặt ra, là việc làm chưa đúng và vi phạm pháp luật nên Bộ Tài Chính đã lên tiếng, đề nghị Tổng cục hải quan có văn bản, công khai cảng nào có thu khoản phí này. Hiện cả nước có khoảng 5,6 triệu container, trong đó khoảng 9% soi chiếu các loại hàng hóa có nghi ngờ rủi ro, nhưng không thể để những DN có hàng bị soi chiếu tăng thêm chi phí so với DN khác” , Thứ trưởng Tài chính nói.
Một DN cao su cho biết ngành cao su đang khó khăn, đã không xuất khẩu được mà khi đi làm thủ tục hoàn thuế thì lại không được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của hàng tồn kho. Hoàn thuế VAT với DN xuất khẩu cũng gặp khó. Với DN kiểm trước hoàn sau thì cơ quan thuế nói cần nhiều thời gian vì phải đi hỏi hải quan. Luật cho phép hoàn thuế trong 40 ngày nhưng không phải vậy. Tổng cục thuế và hải quan nên xây dựng kho dữ liệu để kiểm tra, tra cứu.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cơ quan thuế sẽ chỉ hoàn thuế với hàng xuất khẩu, mà xuất khẩu thì phải có tờ khai hải quan. Tồn kho chưa xuất khẩu mà hoàn thuế thì cơ quan thuế phải chịu nhiều áp lực. Việc hoàn thuế (VAT) cho DN xuất khẩu Luật quy định 40 ngày thì phải hoàn thuế trong 40 ngày, hoàn trước kiểm tra đối chiếu sau. Cơ quan hải quan đã có cơ sở dữ liệu đầy đủ nên cơ quan thuế không thể lấy lý do phải hỏi hải quan, họ có thể truy cập dữ liệu hải quan. Sau này sẽ tiến đến bỏ hồ sơ hoàn thuế và hồ sơ hải quan. Bởi nguyên tắc cơ quan nhà nước không được hỏi DN cái mà mình đã có.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, hàng năm các bộ ngành đều đối thoại với DN, ngay Thủ tướng Chính phủ tháng 5 vừa qua cũng đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn và phải sửa đổi văn bản cho phù hợp. Việt Nam là quốc gia đang chuyển đổi, đang đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do (FTA) nên phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung những điều bất cập, phù hợp xu hướng phát triển.
“Phải đến năm 2020 chính sách mới tạm ổn định. Quan trọng là quá trình sửa đổi bổ sung các chính sách có sát thực tế, chi phí quá trình chuyển đổi này đừng đổ cho DN, cần giảm thiểu cho DN”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.