Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Báo chí luôn sát cánh cùng ngư dân, chiến sĩ
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. |
Tham gia buổi tập huấn này, các phóng viên, biên tập viên sẽ được cung cấp kiến thức, cập nhật tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngoài ra còn có điều kiện trao đổi với các chuyên gia về nội dung này, từ đó giảm thiểu các thiếu sót, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại lớp tập huấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, từ bao đời nay biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, gắn liền với tâm thức của người Việt. Ngoài ra Việt Nam cũng nằm trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển, với vùng biển và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.
“Đây không những là điều kiện phát triển giao thương, kinh tế và hình thành đời sống văn hóa mà còn có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng” – ông nói.
Đề cập đến vai trò của báo chí trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh đây là lực lượng rất quan trọng, đi đầu trong việc thông tin, tuyên truyền đến người dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế để hiểu rõ các quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển đảo.
Theo ông, điều này giúp mọi người hiểu rõ hơn chính nghĩa của nước ta trong việc đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan chủ quyền trên biển, góp phần đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội trong nước, nâng cao nhận thức của người dân, giúp người dân trong và ngoài nước biết được tình hình thực tế, từ đó thể hiện được lòng yêu nước chân chính, tạo được sự đoàn kết, thống nhất, không để các thế lực thù địch kích động, gây chia rẽ dân tộc, làm phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
“Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của các phóng viên, biên tập viên đã không sợ khó, không sợ khổ, luôn tích cực có mặt tại hiện trường ra biển khơi, sát cánh cùng người dân, chiến sĩ để có những bài viết hay, tư liệu quý, thông tin sinh động chân thực đến người dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế về tình hình thực tế trên Biển Đông, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước” – ông cho hay.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Thứ trưởng cũng cho rằng trong công tác tuyên truyền về biển đảo vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt khi so với yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Cụ thể, ông cho biết, nhiều báo hiện vẫn chưa mở chuyện trang, chuyên mục về biển đảo để thông tin, tuyền truyền đầy đủ, cập nhật về nội dung này, mức độ, đồng thời liều lượng về thông tin chưa đều, chưa sâu. Đặc biệt thiếu kiến thức về chủ quyền biển đảo vẫn là một thách thức với đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí dẫn đến các sai sót khi viết về nội dung này, nhất là nhầm lẫn về vùng biển, vùng thềm lục địa, gọi tên không chính xác các cấu trúc nổi trên biển….
Trước tình hình đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn cho các phóng viên, biên tập viên nhằm mục đích bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, trao đổi, chia sẻ trong vấn đề này để giúp báo chí hạn chế tối đa các sai sót và từng bước nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.
Tham dự lớp tập huấn này các phóng viên, biên tập viên sẽ được tham gia ba nội dung chính, gồm: Cập nhật kiến thức, cung cấp thông tin về tình hình Biển Đông và dự báo tình hình trong thời gian tới; Tổ chức thảo luận, hội đàm về kỹ năng tuyên truyền trên báo chí; Tổ chức khảo sát thực tế tại một đơn vị của Hải quân vùng 2. Các báo cáo viên tại đây là lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu về Biển Đông.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề nghị các phóng viên, biên tập viên nêu lên các khó khăn, vướng mắc và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để giúp cho hoạt động tác nghiệp thuận lợi hơn trong công tác thông tin.