Thứ trưởng Công Thương: “Sự cố Nhà máy Alumin Nhân Cơ là bài học lớn”
Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần tiếp tục sát sao theo dõi, rút kinh nghiệm không để xảy ra sự cố tương tự, ảnh hưởng đến môi trường cũng như tác động đến dư luận.
Dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) được khởi công năm 2010,tổng thầu là Công ty TNHH Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco). |
Báo cáo về tình hình sự cố vừa qua xảy ra tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tại tỉnh Đắk Nông, khiến kiềm bị chảy ra ngoài và chảy vào suối Đắk Yao, Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết, thời điểm xảy ra sự cố vào lúc 8 giờ 40 ngày 23/7. Khối lượng kiềm (NaOH) bị chảy ra ngoài nền sân bêtông và nền đất được xác định khoảng 9,58m3.
Trong đó có một phần đã được thu hồi trở lại bồn chứa, một phần thẩm thấu xuống nền đất liền kề với diện tích 600m2 và một phần theo nước mưa chảy xuống suối Đắk Yao qua cống xả nước mưa tràn qua nhà máy.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, Công ty Nhôm Đắk Nông đã kịp thời khóa đầu van vào của bơm không cho kiềm thoát ra ngoài, sau 4 phút nguồn kiềm được khống chế hoàn toàn.
Công ty cũng thực hiện ngay biện pháp khắc phục khác như cách ly khu vực sự cố, thu hồi hóa chất chảy ra ngoài, dùng axít HCl trung hòa độ kiềm trên bề mặt, đào múc đất bị hóa chất đổ vào hồ chứa bùn đỏ… và tìm hiểu nguyên nhân sự cố.
Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số Bộ, ngành hữu quan đã vào Đắk Nông để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của sự cố. Kết quả kiểm tra, phân tích 12 mẫu đất và nước ở các khu vực nói trên thì độ pH đều nằm trong quy chuẩn Việt Nam cho phép.
Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực cũng đều nằm trong giới hạn quy chuẩn quốc gia. Quan sát về môi trường dọc suối Đắk Yao đến nay không thấy hiện tượng bất thường nào xảy ra đối với cây cối và sinh vật trong khu vực bị ảnh hưởng. Hiện nay, việc quan trắc, lấy mẫu phân tích, đánh giá vẫn đang được tiếp tục theo dõi.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Biên cho biết, hiện tình hình sản xuất của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do tình hình mưa lũ. Dự kiến, kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm sẽ giảm về sản lượng.
Lí giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Biên chia sẻ, thuế tài nguyên của nước ta cao hơn các nước như In-đô-nê-xi-a, Úc, Trung Quốc từ 5 - 7%.
Chính vì thế Phó Tổng giám đốc TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã đề ra các giải pháp ổn định việc làm bằng cách giảm sản lượng đủ để công nhân mỏ làm việc 5 ngày/tuần.