Thứ quả được mệnh danh 'hoa trái của các vị thần', ai không nên ăn?
Theo các bác sĩ, măng cụt rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, đây cũng là loại quả đại kỵ cho nhiều người đặc biệt là bệnh nhân suy thận.
Cấp cứu vì măng cụt
Ông N.V. H. 62 tuổi, Hà Nội được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu vì ngưng tim. Bệnh nhân được chẩn đoán tăng kali máu cấp tính gây ngừng tim. Khi bác sĩ hỏi gia đình mới biết bệnh nhân mới phát hiện suy thận được 3 tháng và 2 tháng chạy thận chu kỳ.
Ngày trước vào viện, người thân đi du lịch miền Nam về mang đến cho túi măng cụt. Bệnh nhân vui miệng đã trót ăn cả túi măng cụt mà không biết rằng bản thân phải kiêng loại hoa quả này. Kết quả, nửa đêm vợ phát hiện chồng có biểu hiện lạ - người mệt mỏi, chân tay bủn rủn nên vội vàng gọi xe cấp cứu.
May nhà cách bệnh viện 2km, ông H. được đưa vào viện cấp cứu kịp thời. Chỉ số lúc vào viện xét nghiệm kali máu tăng cao bất thường lên tới 8,9 mmol/l. Người bình thường chỉ từ 3 tới 5 mmol/l. Điện tim ECG thì rối loạn nhịp, tim đập có 40 lần/phút. Bác sĩ cho rằng do ăn măng cụt làm tăng kali máu, may cấp cứu kịp thời, nếu chậm trễ có thể gây ngừng tim do tăng kali.
Ảnh minh họa. |
Theo Bác sĩ Hoàng Sầm – Viện Y học Bản địa Việt Nam, trong Đông y, quả măng cụt có vị chát, quy kinh. Vỏ quả măng cụt có tác dụng làm săn da, trừ lỵ, cầm tiêu chảy. Chủ trị tiêu chảy, kiết lỵ, khí hư, bạch đới. Vỏ thân cây có tác dụng chữa tiêu chảy.
Còn y học hiện đại, trong măng cụt chứa nhiều chất đạm, canxi, sắt photpho,.. tốt cho sức khỏe. Thành phần của măng cụt chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch và tốt cho tim mạch.
Trong thịt trắng của quả măng cụt giúp cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm cân, giữ dáng, làm đẹp da, ổn định lượng đường trong máu, ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch, kích thích tiêu hóa, chống táo bón, giảm dị ứng
Ngoài ra, loại quả này giúp giảm các chứng bệnh về da như mụn, nấm, viêm da,... nó còn hỗ trợ chống ung thư da và làm chậm quá trình lão hóa da ở tuổi trung niên.
Trong vỏ quả chứa nhiều hoạt chất xanthones. Chất này thể hiện đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm rõ rệt. Súc miệng bằng nước sắc vỏ măng cụt sau khi ăn có tác dụng giảm mùi thức ăn, chống lại sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn ngừa hôi miệng và mang lại hơi thở thơm tho hơn.
Lưu ý khi ăn măng cụt
BS Sầm cũng cho rằng măng cụt được mệnh danh như “hoa trái của các vị thần” nhờ nhiều tác dụng tích cực khác cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều và sử dụng không đúng cách, những tác dụng phụ của măng cụt có thể gây hại cho cơ thể.
Măng cụt đại kỵ với một số người ví dụ như người bệnh ung thư, người bệnh rối loạn tiêu hóa, người bệnh đang bị suy thận, người bệnh bị chứng hồng cầu đa nhân. Đặc biệt, khi ăn trái măng cụt bạn cũng không nên ăn nhiều, trung bình nên ăn 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần chỉ ăn 2 – 3 quả.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ cho thấy, tiêu thụ măng cụt trong 12 tháng liên tiếp có thể khiến cơ thể bị nhiễm axit lactic nghiêm trọng. Chất này tích tụ nhiều trong máu sẽ gây ra nhiều triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn ói, yếu người, dị ứng da, nổi mẩn ngứa, sốc hoặc thậm chí là gây nguy hiểm cho tính mạng.
Bệnh nhân đang chuẩn bị làm phẫu thuật không nên dùng măng cụt trong khoảng thời gian trước đó 2 tuần. Chất xanthones trong dược liệu có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, làm vết mổ bị chảy máu nhiều.
Với những người bị dị ứng với một trong các thành phần của măng cụt thì không nên dùng quả này.
K. Chi