Thu phí du khách tham quan Yên Tử ở Quảng Ninh dưới góc nhìn pháp lý
Đầu xuân năm mới, câu chuyện thu phí tham quan tại khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) tưởng nhỏ, nhưng bỗng nhiên thành… lớn khi được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc thu phí tham quan Yên Tử có hợp lý, đúng pháp luật hay không?
Chùa Đồng Yên Tử. (Nguồn ảnh: VNE) |
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet về vấn đề này, luật sư Thùy Dương – Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú cho biết: “Phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa,… được Nhà nước quy định là khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa đó.
Với ý nghĩa đó, chủ trương thu phí để duy trì, bảo tồn danh thắng là đúng, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Phí và Lệ phí. Tuy nhiên, mức thu như thế nào là hợp lý và không gây bức xúc trong dư luận lại đang là vấn đề được tranh cãi”.
Luật sư Thùy Dương cũng nêu quan điểm: Theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phí tham quan danh lam thắng cảnh không được quy định mức “cứng” cố định mà do địa phương tự quyết dựa trên các tiêu chí
Đó là mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến thăm quan. Đối với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có thể áp dụng mức thu cao hơn.
Còn giảm phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng theo các quy định đó là người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa”.
Người dân mua vé thăm quan Yên Tử (nguồn ảnh VNN). |
Trường hợp khó xác định là người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg thì chỉ cần có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú.
Người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.
Người cao tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi.
Miễn phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CPngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.
Như vậy, theo quy định trên, HĐND tỉnh Quảng Ninh được tự quyết mức phí thu đối với khách tham quan Yên Tử. Tuy nhiên, khi danh thắng hòa lẫn cũng những điểm di tích liên quan tới tín ngưỡng như Yên Tử, câu chuyện phí thắng cảnh lại trở thành việc thu phí đối với những người có nguyện vọng đến chùa và đây là câu chuyện ít nhiều có yếu tố “nhạy cảm”.
Thiết nghĩ, HĐND tỉnh Quảng Ninh nên xem xét ý kiến dư luận và cân nhắc lại mức phí sao cho phù hợp bởi lượng khách du lịch đến Yên Tử đầu năm rất lớn, việc cân nhắc một mức phí thấp hơn vừa hợp lý vừa hợp ý nhân dân mà vẫn đảm bảo tốt kinh phí bảo tồn và tu bổ danh lam thắng cảnh.
Quanh cuộc tranh luận về thu phí tham quan Yên Tử, đã có ý kiến rằng Ban tổ chức cần tách bạch được các điểm hành lễ (để không thu phí) và khu vực thắng cảnh (thu phí).
Nhưng rõ ràng, điều ấy là bất khả thi với địa hình ở Yên Tử. Thực tế, do đặc điểm lịch sử, rất nhiều ngôi chùa nằm trong thắng cảnh, hoặc có thắng cảnh trước rồi mới xây chùa. Bởi vậy, những trường hợp như đang xảy ra ở khu di tích Yên Tử cần được ứng xử rất tinh tế và thận trọng.