Thu nhập 'khủng', khai man thuế: Đề nghị công khai danh tính
Bà Nguyễn Thị Cúc – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nêu quan điểm quanh chuyện giới nghệ sỹ, ngôi sao có cát-xê lên tới hàng trăm triệu đồng cho một đêm diễn, nhưng việc nộp thuế thu nhập cá nhân lại rất khiêm tốn.
Thiếu công bằng
Bà Cúc đánh giá, chính sách thuế đặt ra bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng, nên sẽ là vô lý khi có một nhóm đối tượng nào đó thu nhập "khủng" mà lại đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) "bèo". Đáng nói, số tiền thuế TNCN họ đóng góp cho Nhà nước lại không đi song hành với số thu nhập "khủng". Người trong giới thì thanh minh rằng, do thuế thu nhập các show diễn của họ phần lớn do nhà tổ chức đóng theo thỏa thuận nên họ không khai nữa. Tuy nhiên, lập luận này vẫn thiếu thuyết phục.
Nếu bị phát hiện khai man, trốn thuế nghệ sỹ có thể bị nộp phạt 1-3 lần thuế |
Luật Thuế TNCN quy định, tiền lương tiền công của người lao động, làm công ăn lương sẽ được khấu trừ ngay tại nguồn. Ví như một DN có 6000 lao động, DN sẽ phải khấu trừ tiền thuế trước khi trả tiền lương. Các nghệ sỹ, ngôi sao không phải ai cũng đều làm việc cho một công ty cố định, hoặc nếu có thì thu nhập của họ tại công ty rất ít, chủ yếu là biểu diễn chạy sô bên ngoài, nên số thuế khấu trừ tại công ty chính danh chẳng đáng là bao.
Thực tế, thu nhập của các sao "cực khủng" khi căn cứ vào giá trị các show diễn, thu nhập cho một đêm biểu diễn của ca sỹ Mỹ Tâm tại Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng 2013 lên tới 6.000 USD (tương đương 110 triệu đồng) đang gây xôn xao dư luận là một ví dụ. Con số 6.000 USD cho một đêm biểu diễn của một ca sỹ hạng A đã khiến dư luận đặt câu hỏi về mức thu nhập "đáng mơ ước" của giới nghệ sỹ, ngôi sao hiện nay.
+ “Người ta phản ánh một quan chức Đan Phượng tổ chức cưới to lắm”
+ "Các thế lực đen tối đang tìm mọi cách để vô hiệu nhà báo"
Theo nguyên tắc, cơ quan chi trả tiền phải khấu trừ thuế, ca sỹ có mã số thuế sẽ bị khấu từ 10%, còn không có mã số thuế là 20%. Ví dụ ca sĩ có show diễn 100 triệu đồng khi trả trong hợp đồng phải ghi rõ trừ thuế cho Nhà nước 10 triệu đồng, thì nơi tổ chức biểu diễn phải nộp thuế 10 triệu đồng. Nếu biểu diễn ở nhiều nơi thì tất cả các nơi đó phải có trách nhiệm khấu trừ. Khó là ở chỗ, thu nhập của nghệ sỹ, ngôi sao không phải từ một nguồn mà từ nhiều nguồn khác nhau.
Nhưng khấu trừ xong không có nghĩa họ xong nghĩa vụ thuế, vì ca sĩ thu nhập cao nên chỉ là tạm khấu trừ. Đến cuối năm các ca sĩ phải có trách nhiệm kê khai tất cả thu nhập trong năm trừ đi khoản tạm khấu trừ 10%, còn lại phần chênh lệch thì phải đóng cho Nhà nước.
Thực tế việc nộp thuế của giới nghệ sỹ, ngôi sao không tương xứng với mức thu nhập "khủng", bà Cúc cho rằng có hai lý do: Thứ nhất, các nơi khi trả thu nhập họ đã quên không khấu trừ thuế. Hoặc hai bên thỏa thuận với nhau trả cát-xê bằng tiền mặt để trốn nghĩa vụ thuế.
Thứ hai, do không thống nhất nên xảy ra trường hợp các nghệ sỹ cho rằng nơi tổ chức biểu diễn đã đóng thuế nên họ không phải kê khai, đóng thuế nữa. "Rõ ràng việc hiểu như vậy là sai. Các công ty, cá nhân chi trả thu nhập; nghệ sĩ kê khai giảm thu nhập là hành vi gian lận, trốn thuế, và có thể xử phạt tới từ 1-3 lần tiền thuế. Cộng với việc tổ chức thu thuế không tốt dẫn tới sự thiếu bình đẳng khi thực hiện nghĩa vụ thuế với các đối tượng khác nhau" – bà Cúc nhấn mạnh.
Cơ quan thuế bó tay vì nhân lực mỏng?Liên lạc với Cục thuế Hà Nội để tìm hiểu thực hư chuyện đóng thuế của giới nghệ sỹ Thủ đô thời gian qua nhưng PV Infonet không nhận được câu trả lời từ phía cơ quan thuế. Từ chối tiết lộ thông tin ông Đoàn Văn Hạnh – Trưởng phòng thuế TNCN – Cục thuế Hà Nội lý giải, do chưa tới thời hạn "chốt" kê khai, kiểm soát danh sách nộp thuế nên Cục thuế chưa biết được danh sách cuối cùng nghệ sỹ nào năm nay có số tiền đóng thuế là bao nhiêu. Tuy nhiên, ông Hạnh thừa nhận, cơ quan thuế đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát đối tượng đóng thuế. Hiện đã có hơn 12 triệu người được cấp mã số thuế cá nhân, nhưng không phân cụ thể từng đối tượng làm nghề nghiệp gì, nên rất khó xác định nghệ sĩ nào gian lận thuế.
"Cơ quan thuế phải thanh tra, kiểm tra thì mới khẳng định họ có trốn thuế không. Nhưng lực lượng cán bộ thuế quá mỏng, trong khi đối tượng nộp thuế TNCN mỗi năm lên tới vài triệu, làm sao chúng tôi có thể kiểm ra, kiểm soát hết được" – ông Hạnh nói.
Ngoài ra, do Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống thanh toán bằng tiền mặt nên nếu ca sĩ khai man, trốn thuế mà không có chứng từ rõ ràng như hợp đồng biểu diễn... thì cũng không có cách nào quản lý và biết được thu nhập của họ thực tế ra sao. Do nguyên tắc tự kê khai, tự nộp, nên nếu cơ quan thuế không kiểm tra tổ chức chi trả thu nhập thì khó biết thu nhập thực tế của nghệ sĩ bao nhiêu.
Do đó, bà Cúc cho rằng, các nghệ sĩ nên lấy hóa đơn chứng từ nếu đơn vị chi trả thu nhập đóng thay phần thuế 10% để thực hiện quyết toán sau này. Trong trường hợp nghệ sĩ thành lập công ty và công ty này ký hợp đồng với đơn vị tổ chức, phần tiền cát-xê thay vì trả cho ca sĩ sẽ được tính vào doanh thu của công ty. Công ty có trách nhiệm đóng thuế TNDN và các loại thuế khác.
Đồng thời, ngoài áp dụng hệ thống phần mềm quản lý thuế TNCN (PIT) quản lý thu nhập theo mã số thuế, cơ quan thuế nên lựa chọn phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Cụ thể, "điểm mặt" một số nghệ sỹ, ngôi sao có thu nhập cao vào diện kiểm soát đặc biệt, theo dõi và nhắc nhở họ. Nếu trong trường hợp cơ quan thuế đã nhắc nhở nhưng những đối tượng này vẫn chây ỳ, trốn thuế thì có thể tính tới biện pháp đưa danh sách này công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Là người của công chúng chắc chắn họ sẽ rất ngại bị nêu tên với hình ảnh không đẹp như vậy. Cơ quan thuế phải cương quyết, xử lý nghiêm để nêu gương, nâng cao ý thức tự giác nộp của số đông còn lại" – bà Cúc đề xuất.