Thu hút vốn FDI: Không ai cho Việt Nam ăn sẵn!
Hàng trăm nghìn ha đất bỏ hoang tại các KCN đang gây ra sự lãng phí ghê góm! - Ảnh: HC |
Chậm chuyển hướng chính sách thu hút FDI
Như Infonet đã đưa tin, cuộc toạ đàm nhằm lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các nhà tư vấn và các nhà đầu tư về những điểm tích cực, những vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong quá trình thực thi Luật Đầu tư năm 205 và đề xuất những định hướng sửa đổi, bổ sung luật này trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại đây, bên cạnh những tác động tích cực của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nền kinh tế quốc dân, GS.TSKH Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI) cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề tồn tại đang gây ra nhiều cản trở đối với việc thu hút và sử dụng nguồn vốn này vào Việt Nam.
Vấn đề đầu tiên quan trọng nhất, theo GS Nguyễn Mại là Việt Nam chậm chuyển hướng chính sách thu hút FDI. Từ năm 2001, Đại hội Đảng IX đã đề ra chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả nền kinh tế quốc dân, trong đó có FDI. Nhưng cho đến nay, sau 12 năm, định hướng chuyển đổi chính sách thu hút FDI mới bắt đầu được nghiên cứu.
Do sự chậm chạp đó mà các ưu tiên đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển không đạt được như dự kiến. Vì vậy đã làm giảm tác động của FDI vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhược điểm này, theo GS Nguyễn Mại, gắn với nhược điểm chậm tái cấu trúc nền kinh tế và hiện vẫn có rất nhiều vướng mắc mà chưa có tiến triển nào có thể nói là khả dĩ.
Lãng phí ghê gớm ở các KCN
Đặc biệt, ông nhấn mạnh, các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) phát triển nhanh ở nhiều địa phương (hiện đã có 15 KKT hơn 340 KCN) nhưng cơ cấu gần như giống nhau, kể các khu công nghệ cao (KCNC) Hoà Lạc và KCNC TP.HCM nên không tạo ra lợi thế của sự khác biệt ở từng địa phương, từng vùng lãnh thổ. Nhiều KCN được hình thành mà chưa tính đến các yếu tố bảo đảm thành công, thậm chí còn được xây dựng theo phong trào, địa phương nào cũng muốn có KCN.
"Chúng ta không thể tạo được một nền kinh tế quốc dân lớn mạnh nếu cộng 63 nền kinh tế địa phương giống nhau. Không có chuyện dấu cộng như vậy mà phải bổ trợ cho nhau thành kinh tế vùng. Không tạo được lợi thế về sự khác biệt là nhược điểm rất lớn trong thu hút vốn đầu tư quốc tế cũng như trong phát triển kinh tế của nước ta!" - GS Nguyễn Mại nói. Đồng thời chỉ rõ, hiện phần lớn diện tích thuê đất của các KCN chỉ chiếm dưới 50% tổng diện tích đất tự nhiên và có đến 74 KCN đang xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa có dự án đầu tư, gây lãng phí lớn về sử dụng đất đai và vốn đầu tư.
"Chúng ta chưa bao giờ làm một con tính về lãng phí đất đai theo kiểu nếu một KCN khoảng 150ha chỉ lấp đầy 50ha, còn 100ha bỏ trống thì mỗi năm thất thoát bao nhiêu cho đất nước này, cả về sản lượng, về thu nhập của doanh nghiệp, của bà con nông dân cho đến thu nhập của nhà nước. Không ai làm con tính đó cả, trong khi hiện nay chúng ta có cả hàng trăm nghìn ha đang bỏ hoang. Đó là một sự lãng phí ghê gớm, trong lúc rất nhiều nông dân không có đất để sản xuất!" - GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh vùng lãnh thổ diễn ra rất chậm chạp. Mặc dù FDI đã có ở tất cả các địa phương nhưng vẫn tập trung ở các vùng có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Tuy tập trung đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ nhưng toàn bộ tác động của FDI không đủ để chuyển dịch nền kinh tế theo hướng hiện đại. Vẫn là dệt may, giày da, thuỷ hải sản... vốn sử dụng rất nhiều lao động. GS Nguyễn Mại nhận định đây là nhược điểm tạo nên chi phí lao động cao, năng suất lao động thấp và năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thua xa nhiều nước trong khu vực.
Không ai cho Việt Nam ăn sẵn
Theo GS Nguyễn Mại, thị trường và đối tác FDI của Việt Nam hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nước châu Á. Đầu tư từ Hoa Kỳ, EU, các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) vào Việt Nam còn rất khiêm tốn so với vào Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia... Từ đầu thế kỷ 21, Chính phủ đã có chủ trương thu hút FDI từ các TNCs (công ty xuyên quốc gia) lớn của thế giới vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại nhưng đến nay mới có khoảng 60/500 TNCs hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam (Trung Quốc đã thu hút hơn 400 TNCs).
Trên thực tế, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm, không đảm bảo an toàn. Việc chuyển giao công nghệ, sáng chế, phát minh, giải pháp kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chưa tương xứng với vốn đầu tư, nhất là ở các ngành công nghệ cao như công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy. Một số doanh nghiệp FDI lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đã gây tình trạng ô nhiễm môi trường thậm chí đến mức nghiêm trọng.
"Đừng hy vọng người ta đưa công nghệ cao vào nếu Việt Nam không đủ chính sách khuyến khích người ta áp dụng công nghệ cao. Không có ai cho Việt Nam ăn sẵn mà phải có chính sách để chuyển từ công nghệ của nước ngoài sang công nghệ Việt Nam. Đó là chính sách tạo nguồn nhân lực tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo thành công nghệ Việt Nam. Và phải khuyến khích nghiên cứu phát triển, nếu không sẽ không bao giờ có công nghệ Việt Nam. Chúng ta đừng hy vọng người ta cho không. Để có công nghệ hàng đầu thì tiềm lực nghiên cứu phát triển của quốc gia là rất quan trọng!" - GS Nguyễn Mại nói.
Ngoài ra, tình trạng chuyển giá mới phát hiện trong những năm gần đây cũng được GS Nguyễn Mại cảnh báo "không chỉ là vấn đề thời sự hiện nay mà sẽ còn tiếp tục sau này". Tình trạng "lỗ giả, lãi thực" đã, đang và sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong khi không ít doanh nghiệp FDI tuy công bố lỗ nhiều năm nhưng vẫn tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nguyên nhân quan trọng, theo ông, là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI.