Thống đốc NHNN: Sẽ có thêm những “Ngân hàng Xây dựng” được mua lại
Chia sẻ này được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra trong cuộc gặp gỡ nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi 2015.
Nói về nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, một lần nữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, đây là một trong ba nhiệm vụ tái cơ cấu trọng tâm được Chính phủ đề ra và đã được NHNN triển khai quyết liệt. Đây là tiền đề cho ổn định chính sách tiền tệ nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung thời gian qua.
Giai đoạn 1 của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, từ năm 2011-2015, NHNN mới tập trung xử lý những ngân hàng yếu kém nhất, những mắt xích có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ diễn ra quyết liệt trong năm 2015 |
Nhưng bước sang giai đoạn 2, NHNN sẽ tiến hành đồng bộ, toàn diện hơn. Không chỉ ngân hàng yếu kém sẽ được cơ cấu lại, kể cả những ngân hàng đang tốt cũng phải tái cơ cấu để ổn định hơn, vững chắc hơn. Thậm chí, các ngân hàng ở mức trung bình cũng phải củng cố vững chắc hơn để có thể tiến lên thành những ngân hàng tốt hơn để các ngân hàng phấn đấu có định hướng phát triển lâu dài.
“Điều rất quan trọng, tôi xin khẳng định, giai đoạn đầu của chương trình này, điều kiện vĩ mô của chúng ta hết sức bất ổn, khả năng và điều kiện của hệ thống ngân hàng hết sức hạn chế, thị trường khó khăn. Vì thế, chúng ta vẫn chưa làm được nhiều mà chủ yếu tập trung vào ngân hàng yếu kém, trên nguyên tắc tự nguyện, dưới sự giám sát của NHNN”- Thống đốc Bình nói.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đặt trong bối cảnh hiện tại, khi kinh tế vĩ mô ổn định, năng lực của NHNN được nâng lên nhiều, có nguồn lực để xử lý mạnh mẽ hơn trong giai đoạn này.
“Chúng ta sẵn sàng mua lại các ngân hàng, như việc mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng/cổ phiếu. Và sắp tới chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình này. Điều này phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Khi các cổ đông đã làm mất hết vốn của mình, thậm chí dùng cả vốn của xã hội thì những cổ đông lớn phải ra đi thì Nhà nước phải tiếp quản lại. Việc tiếp quản lại của NHNN là để giữ ổn định hợp pháp và đảm bảo lợi ích gửi tiền của người dân, DN trong ngân hàng này”- tư lệnh ngành ngân hàng tiếp lời.
Cụ thể, sẽ có rất nhiều ngân hàng sẽ hợp nhất, sáp nhập và một số ngân hàng sẽ được NHNN mua lại như Ngân hàng Xây dựng. Trong số ngân hàng hợp nhất, sáp nhập kể cả những ngân hàng đang khỏe mạnh sáp nhập vào với nhau để tạo ra ngân hàng quy mô lớn hơn có khả năng hoạt động tốt hơn. Cũng có cả những ngân hàng Nhà nước sáp nhập lại với nhau, rồi ngân hàng Nhà nước sáp nhập với ngân hàng cổ phần và cả ngân hàng cổ phần hoạt động lành mạnh sáp nhập với nhau… Kể cả ngân hàng cổ phần yếu kém theo tiêu chí hiện nay cũng sẽ bị NHNN mua lại như Ngân hàng Xây dựng.
Mục tiêu của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2015 sẽ triển khai quyết liệt câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và theo dõi “sức khỏe” các thương vụ này trong 6 tháng cuối năm, đảm bảo các nhà băng hoạt động ổn định.
“Chúng tôi hy vọng rằng trong năm nay chúng tôi sẽ xử lý được ít nhất từ 6-8 ngân hàng. Kế hoạch tới cuối năm 2015 những nội dung cơ bản của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện đầy đủ”- ông nói.
Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% trong năm 2015, Thống đốc Bình cho rằng đây là mục tiêu hợp lý dựa trên các phân tích về tăng trưởng kinh tế xã hội, khả năng đầu tư của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng, giảm của giá dầu cũng có ảnh hưởng bất lợi nhất định tới chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô.
Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% là trong bối cảnh bình thường, còn nếu trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng nếu giá dầu biến động bất lợi thì NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu này lên mức 17% để làm sao tăng trưởng GDP đạt 6-6,2% như mục tiêu đề ra và vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.