Thống đốc NHNN: Gửi tiết kiệm tiền đồng hấp dẫn nhất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình |
Nhận chiếc ghế Thống đốc trong thời điểm rất nóng, khi những vấn đề về thị trường vàng, ngoại tệ, lãi suất ... đang rất ngổn ngang, nhưng tới thời điểm này bằng những quyết sách trong điều hành những “hạt sạn” trong thị trường tiền tệ đã và đang lập lại được trật tự vốn có.
Nói lên cảm xúc của mình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khá khiêm tốn. Ông bày tỏ: Tôi bước vào nhiệm kỳ này, từ năm 2011, dưới tác động mạnh mẽ của khủng hoảng toàn cầu. Chính những tác động đó làm nền kinh tế VN nhiều áp lực, chao đảo. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu áp lực chỉ đạo từ Chính phủ với những chính sách điều hành của mình là dĩ nhiên và chúng tôi luôn tuân thủ những chỉ đạo điều hành đó.
“Sau những sóng gió, dù có áp lực, chúng tôi nhận ra rằng, nếu kiên quyết với đường lối chính sách đặt ra, kiên quyết đưa chính sách đến thắng lợi thì kết quả là minh chứng làm giảm áp lực xã hội. Nhân dân luôn công tâm. Nếu làm chưa tốt thì người dân còn gây áp lực, còn trăn trở, nhưng khi đã đáp ứng được người dân thì người dân sẽ tin tưởng và đồng tình ủng hộ” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
“Gửi VNĐ vẫn có lời nhất”
Một người dân gửi câu hỏi tới Thống đốc bày tỏ sự băn khoăn lựa chọn nên hay không gửi tiết kiệm VNĐ: “Thưa Thống đốc tôi là cán bộ nghỉ hưu suốt cuộc đời dành dụm được khoản tiền nho nhỏ, suốt mấy năm trước tôi cứ phải xoay chuyển khoản tiền ít ỏi của mình sang vàng, đô la, rồi tiền đồng để có chút lời. Nhưng hơn một năm trở lại đây tôi yên tâm gửi bằng tiền đồng trong hệ thống NH. Năm tới đây tôi có nên tiếp tục giữ và gửi tiết kiệm bằng VNĐ nữa hay không?”.
Thống đốc Bình nhận định, năm 2014 gửi tiền bằng VNĐ vẫn là kênh đầu tư an toàn, sinh lời nhất |
Với chính sách kiên định của NHNN, Thống đốc Bình khuyên: "Nếu người dân nào đã có tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ thì nên tiếp tục gửi; còn ai đang băn khoăn lựa chọn đồng tiền gửi tiết kiệm thì nên sử dụng đồng VNĐ vào hệ thống ngân hàng, vì đây là kênh đầu tư an toàn nhất, hấp dẫn nhất".
VAMC không phải “nhà kho”
Trước quan điểm Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chỉ là nhà kho và là “cục sâm” để các NH “ngậm” khi chờ phẫu thuật, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lý giải, ở các nước khi xử lý nợ xấu họ đã phải chi 30-70%GDP để xử lý dứt điểm nợ xấu, và tiền này là tiền của ngân sách Nhà nước. Nên ở các nước nợ xấu được mua và xử lý dứt điểm nhưng với chi phí rất lớn.
Còn ở Việt Nam, ngân sách Nhà nước còn khó khăn, phục vụ cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội khác nên chưa có điều kiện để tập trung xử lý nợ xấu, trong khi mục tiêu xử lý nợ xấu là rất cấp bách, nên phải có mô hình xử lý nợ xấu phù hợp với hoàn cảnh.
Thông qua xử lý nợ xấu của VAMC các tổ chức tín dụng có thêm thanh khoản qua tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt từ VAMC, có thêm nguồn vốn. Các DN sau khi mua bán nợ qua VAMC thì khoản nợ xấu đó sẽ được cơ cấu lại về thời hạn, lãi suất... DN có điều kiện tiếp cận vốn và chịu được áp lực tài chính trong lúc khó khăn.
Một điểm nổi bật trong hoạt động của VAMC, công ty này là nơi tập trung các khoản nợ xấu, tạo điều kiện hình thành thị trường mua bán nợ cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể tiếp cận dễ dàng mua bán các khoản nợ xấu này.
“Dù mô hình VAMC ở Việt Nam khác với ở các nước và chưa giải quyết được triệt để nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và đặc thù của nước ta thì cách xử lý nợ xấu mà VAMC đang làm là khả thi nhất, là công cụ thuận lợi cho tất cả các bên, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Liên quan tới việc xử lý các nhà băng yếu kém và tái cơ cấu hệ thống NH, Thống đốc Bình thông tin, theo đúng lộ trình tới 2013 xử lý các NH yếu kém nhất thì đến nay đã xử lý được 9 NH yếu kém nhất trong toàn hệ thống.
“Nhưng đây là quá trình lâu dài kéo dài trong nhiều năm khi đã xử lý được là những NH là mắt xích yếu nhất thì tiếp theo sẽ xử lý những NH yếu khác để đảm bảo mục tiêu trung hạn tới 2015-2020 sẽ được hoàn thiện”- người đứng đầu NHNN chốt lại.