Thống đốc: Lạm phát cao, chưa thể giảm lãi suất
Thống đốc: Lạm phát cao, chưa thể giảm lãi suất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định tại cuộc Đối thoại trực tuyến với nhân dân sáng 12/1.
Giải quyết thanh khoản cấp bách hơn
Nhu cầu giảm lãi suất là nhu cầu thiết thực của DN, cũng là mong mỏi của Chính phủ và NHNN, nhưng có hạ được lãi suất hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Lạm phát 4 tháng cuối năm 2011 dù có giảm, nhưng chỉ là điều kiện cần để có thể xét tới giảm lãi xuất chứ chưa thể là điều kiện đủ.
Lạm phát 2011 dù về đích ở mức 18,28% nhưng vẫn là cao so với nhiều nước, khi lạm phát còn cao như thế mà đề nghị giảm ngay lãi suất thì chưa phù hợp, mà phải đảm bảo thanh khoản cho hệ thống NH. Hiện, thanh khoản NH đang là vấn đề nhức nhối.
Giải quyết vấn đề thanh khoản trong hệ thống NH cấp bách hơn là giảm lãi suất |
Nhiều năm qua, tăng trưởng tín dụng của NH rất lớn, 10 năm qua tốc độ tăng trung bình là 29,5%/năm, 5 năm qua tốc độ tăng trung bình trên 33%/năm, trong khi nguồn vốn cơ cấu sử dụng sai lệch. Vốn huy động của hệ thống chủ yếu là ngắn hạn, nhưng lại đi cho vay trung – dài hạn. Dư nợ cho vay trung – dài hạn của một vài tổ chức tín dụng (TCTD) lên tới 70-80%, thậm chí là 100% trong khi tỷ lệ cho phép của NHNN là 30-40%.
Trước đây, khi thị trường tương đối ổn thì có thể huy động các kênh khác để bù đắp, thắt chặt tiền tệ thì sự bù đắp đó thiếu hụt gây ra thiếu thanh khoản. "Trước đây, khi thị trường còn 'hồng hào' thì ngân hàng còn có thể huy động từ các kênh khác để bù đắp thiếu hụt thanh khoản. Nhưng trong điều kiện thắt chặt tiền tệ như hiện nay thì sự bù đắp thiếu hụt đó cũng trở nên khó khăn, dẫn đến nhiều ngân hàng lâm vào tình trạng khó về thanh khoản," Thống đốc cho biết.
“Lạm phát giảm mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để giảm lãi suất, NHNN đang tìm giải pháp để từng bước hạ lãi suất, đảm bảo thanh khoản và ổn định của hệ thống” – vị đứng đầu NHNN nói thêm.
Cũng có ý kiến cho rằng, để "cứu" thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, NHNN cần đẩy mạnh hỗ trợ bằng cách "bơm" tiền ra. Tuy nhiên, Thống đốc Bình cho rằng, cách làm này không hiệu quả. "Nếu bơm vốn ra mà không thay đổi được tập quán chúng ta đang làm thì bơm bao nhiêu cho đủ? Rồi đến một thời điểm sẽ lại tích tụ... và quá trình cứ lặp lại như vậy. Chính vì thế, trước khi bơm ra thì phải thay đổi tập quán để tiền ra thì phải tập trung cho sản xuất, tỷ lệ nào tập trung vào dài hạn, tỷ lệ nào tập trung vào vốn lưu động để đảm bảo thanh khoản của thị trường," Thống đốc nói.
Nợ xấu trong tầm kiểm soát
Thừa nhận tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH gia tăng nhưng Thống đốc NHNN khẳng định, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN.
Việc mất thanh khoản của một vài NH không phải do nợ xấu cao hay thấp, đó chỉ là một phần nguyên nhân. Thống đốc NHNN giải thích, khác với hoạt động của DN, cuối năm mỗi NH bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro chi trả cho các khoản nợ xấu. NH phải lấy chính lợi nhuận của mình để bù đắp cho các khoản nợ xấu khó đòi. Nên trong năm có thể nợ xấu khá cao, nhưng tới cuối năm khi trích lập dự phòng thì tỷ lệ nợ xấu giảm đi.
Nợ xấu của Việt Nam được phân theo 5 nhóm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng có những TCTD làm chặt chẽ thì phân loại tỷ lệ nợ xấu chính xác, có TCTD quan điểm khác đi lại đưa mức nợ xấu vào nhóm không nguy hiểm… nên độ chính xác trong phân loại nợ xấu ở Việt Nam giữa các TCTD chưa cao.
Thêm vào đó, chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế không đồng nhất nên kết quả kiểm toán trong nước và quốc tế vênh nhau, con số nợ xấu giữa các kết quả kiểm toán cũng khác nhau.
“Tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 trong hệ thống hiện trên 3% không phải là thấp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN”- Thống đốc nhấn mạnh.
Trường Giang