"Thời điểm này, Chính phủ hỗ trợ bất kể điều gì cho DN đều đáng quý"
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg (Chỉ thị 11) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Chỉ thị 11 được coi là cứu cánh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Tấn Vinh – Giám đốc Furama Resort (Đà Nẵng) – cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ hỗ trợ bất kể điều gì cho doanh nghiệp cũng đều đáng quý, nhất là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
“Trong thời điểm này, Chính phủ hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp thì càng tốt. Bởi ảnh hưởng chung đối với ngành du lịch không chỉ tại Đà Nẵng mà còn nhiều tỉnh thành khác, đa phần các khách sạn phụ thuộc vào nguồn khách từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng, doanh thu sụt giảm rất lớn," – ông Huỳnh Tấn Vinh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hà – Giám đốc Khách sạn Thắng Lợi (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết việc Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp là điều cộng đồng doanh nghiệp rất trông mong.
“Hiện tại dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng khách sạn vẫn phải trả lương nhân viên, vẫn phải thực hiện đầy đủ về nghĩa vụ thuế,” – ông Nguyễn Kim Hà bày tỏ.
Khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel tại số 38 Lò Sũ đã tạm thời đóng cửa. Ảnh: Diệu Thùy. |
Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Trong tháng 2, lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc đã sụt giảm 62% so với cùng kỳ, khiến lượng khách đến từ thị trường châu Á nói chung sụt giảm 21%. Ngoài châu Á, các thị trường châu Mỹ và châu Úc cũng có sự sụt giảm lần lượt 21,1% và 18,4%. Riêng thị trường châu Âu vẫn giữ được mức tăng trưởng nhẹ 6%. Tính tổng thể, lượng khách quốc tế tháng 2 giảm 37,7% so với tháng 1.
Để gỡ khó cho ngành du lịch, các giải pháp của Chính phủ và doanh nghiệp trong nước hiện tập trung vào kích cầu nội địa bằng các chương trình khuyến mại.
Ghi nhận việc có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người, Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.
Tại Chỉ thị số 11, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chỉ đạo áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng); chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2019. NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công; trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money). Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020. |