Thoái vốn nhà nước, vẫn giữ lãnh đạo cũ, có sao không?
Chia sẻ tại Diễn đàn về tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), TS. Nguyễn Văn Khách - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. |
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các DNNN có quy mô lớn, là lực lượng nòng cốt thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, song vẫn có nhiều tồn tại, trong đó vẫn chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước. Cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước như Bộ, ngành chủ quản, địa phương, SCIC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong khi đó, việc phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước còn nhiều bất cập.
Tiến độ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN đã cổ phần hóa còn chậm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp trong khi kế hoạch năm 2018 phải cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Về kế hoạch thoái vốn, chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn (kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp).
Cùng với đó, việc công bố thông tin và tính minh bạch đối với DNNN còn thấp.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2017, mới có 265/622 doanh nghiệp (chiếm 42,6% số DNNN) gửi báo cáo đến Bộ này để công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp. Năm 2016, tỷ lệ là 38,9%.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS. TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tiến độ cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm và vẫn còn tình trạng “bình mới rượu cũ”. Đặc biệt, sau cổ phần hóa, doanh nghiệp đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là những người cũ.
2 thách thức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
Liên quan đến sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn tới đòi hỏi phải cải cách.
Theo ông Hiếu, có ít nhất 2 thách thức lớn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đó là, Ủy ban này khoác áo cơ quan Nhà nước nhưng tinh thần lại phải hoạt động như một nhà đầu tư có tính chuyên môn cao và chuyên nghiệp cao. Thứ hai, là cơ quan nhà nước nhưng với những đòi hỏi cao như vậy đòi hỏi phải có cơ chế nào khuyến khích Ủy ban có được nhân sự tốt, chuyên gia tốt. Công việc của Ủy ban sẽ rất nhiều, rất nặng nề… nhưng để vượt qua thách thức này trước mắt rất cần sự nỗ lực.
TS. Nguyễn Văn Khách cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng.
Tuy nhiên, cần phải xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 DNNN (gấp 1,03 lần so với 55 DNNN cổ phần hóa năm 2016). 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt tiếp phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672.09 tỷ đổng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 23.0847.23 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055.29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457.29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30.000 tỷ; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng; năm 2018 là 28.000 tỷ đồng). |