Thiếu chuỗi liên kết khép kín, người dân khó tìm được nguồn thực phẩm an toàn
Người dân vẫn khó khăn trong việc tìm được nguồn thực phẩm an toàn. (Ảnh minh họa) |
Hội nghị nhằm bàn về giải pháp chống thực phẩm bẩn và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu góp phần gia tăng giá trị nông sản.
Theo đó, để có thực phẩm an toàn, cần phải thông qua mô hình hợp tác chuỗi liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà cung ứng vật tư nguyên liệu, doanh nghiệp thu mua chế biến, sản xuất và nhà phân phối nhằm đảm bảo một chuỗi sản xuất khép kín, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với việc xây dựng danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập thì việc tham gia vào chuỗi vì an toàn thực phẩm sẽ giúp thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 12/2017 đạt gần 336 triệu USD, đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong cả năm 2017 đạt trên 3,5 tỷ USD, vượt 500 triệu USD so với mục tiêu đề ra. Quả là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu rau, hoa, quả xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp theo là các sản phẩm rau, hoa, quả chế biến; rau củ tươi; hoa tươi, các loại lá.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, với kim ngạch xuất khẩu rau quả như vậy chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng làm được thực phẩm sạch để xuất khẩu. Riêng thị trường trong nước vẫn chưa tạo được niềm tin cho người dân cũng như nhà quản lý.
Một trong những vấn đề còn vướng mắc hiện nay chính là nhiều vùng nguyên liệu sạch gặp khó khi tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn khi kết nối giữa các doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ.
Ngoài việc kết nối vùng nguyên liệu sạch gặp khó khăn thì trong chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay, việc tham gia giữa các doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm, doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển.
Chính vì thế, sản phẩm nông dân làm ra dù đảm bảo an toàn, nhưng trong khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đảm bảo, khiến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng chất lượng lại không đảm bảo.
Vì thế, điều cần thiết là phải kết nối 4 nhà thành một chuỗi liên kết khép kín về thực phẩm sạch cho người dân trong nước.
Bà Lan khẳng định, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm về cấp giấy chứng nhận, kết nối doanh nghiệp, điều phối trong cả quá trình liên kết đó cũng như khuyến khích tìm đầu ra cho sản phẩm.