Thiên thạch mặt trăng đại gia Xuân Trường mua là gì, vì sao đắt đỏ đến thế?
Thông tin doanh nghiệp xây dựng tư nhân Xuân Trường đã chi tiền tỷ (14,3 tỷ đồng) để mua khối đá thiên thạch Mặt Trăng để đưa về tạc tượng trưng bày tại chùa Tam Chúc, Hà Nam đang thu hút sự chú ý.
Khối thiên thạch Mặt Trăng được Xuân Trường mua với giá hơn 600.000 USD tại phiên đấu giá ở Boston, Mỹ này có gì khác lạ mà đắt đỏ đến vậy?
Khu vực Chùa Tam Chúc, nơi sẽ đặt thiên thạch mặt trăng do Công ty Xuân Trường vừa đấu giá từ Mỹ. Ảnh: T.N.K |
Thiên thạch được định giá dựa trên kích thước, độ hiếm, vẻ đẹp và nguồn gốc.
Thiên thạch từ Mặt Trăng đặc biệt hiếm. Theo ước tính, trên Trái Đất hiện chỉ có khoảng vài trăm kg đá xuất xứ từ Mặt Trăng.
Dù con người đã từng đặt chân lên Mặt Trăng, tuy nhiên hầu hết những thiên thạch mặt trăng được rao bán hoặc đấu giá những năm qua đều là những viên đá lớn, nhỏ được tìm kiếm ngay trên bề mặt trái đất, nhất là những vùng hoang vu như châu Phi.
Do đó, tính xác thực của nó có phải là thiên thạch xuất xứ từ Mặt trăng hay không thực sự không có nhiều người am tường hoặc đủ khả năng đánh giá được.
Thiên thạch có tên "Mảnh ghép Mặt Trăng" |
Theo đồn đoán, giá một mẩu thiên thạch mặt trăng có kích cỡ bằng một hạt dẻ có thể lên tới 100.000 USD (2,3 tỷ đồng). Trong một phiên đấu giá hơn 125 mảnh thiên thạch trước đây tại Mỹ, tảng đá 1,8 kg lấy từ Mặt Trăng được định giá lên đến 340.000 USD. Trong khi đó, một vài mảnh thiên thạch khác chỉ có giá khoảng vài trăm USD.
Các nhà nghiên cứu thị trường cho rằng chỉ 0,1% thiên thạch trên Trái Đất đến từ Mặt trăng hoặc Sao Hỏa nên chúng đặc biệt quý hiếm, thậm chí hơn cả kim cương.
Giá cả cho 100 gram đá sao Hỏa cũng có giá lên tới 100.000 USD.
Thiên thạch có nhiều mức giá khác nhau tùy theo thành phần nguyên tố. Thiên thạch đá phổ biến gọi là chondrite có thể trị giá chưa tới 25 USD. Nhưng thiên thạch sắt - kền hiếm hơn nhiều có thể được mua với giá cao gấp 1.000 lần.
Thiên thạch có độ bền "vĩnh cửu" bởi khi chúng rơi vào khí quyển Trái Đất, các mảnh vỡ này có thể phải chịu sức nóng tới 1.650 độ C. Mức nhiệt này đủ để nung chảy kim loại như sắt và niken, thành phần có trong nhiều thiên thạch. Nhiệt độ này được coi là cao hơn nhiều sức nóng trong một tòa nhà đang cháy.
Đó là lý do Bendegó, mảnh thiên thạch lớn nhất Brazil, đã gần như không bị ảnh hưởng gì sau một vụ hỏa hoạn tại Bảo tàng Quốc gia Brazil mặc cho nhiều thứ bị ngọn lửa thiêu cháy.
Nghệ nhân Grayson Tighe nổi tiếng người Canada từng dùng thiên thạch chế tác ra những chiếc bút tinh xảo, với giá bán hàng chục ngàn USD.
Một chuyên gia cho rằng, các mẫu đá Mặt Trăng được các phi hành gia Mỹ mang về Trái Đất đều là tài sản của chính phủ. Đấu giá là cách duy nhất để những nhà sưu tập tư nhân có thể sở hữu đá Mặt Trăng.