Thiên tai tước đi của Việt Nam 1% GDP mỗi năm
Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều hậu quả của thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất… Trong đó, bão và lụt là hai loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ước tính 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt.
Theo số liệu thống kê trong giai đoạn từ 1989-2013, trong tổng số 263 sự kiện được ghi chép trong giai đoạn trên, rủi ro bão và lụt lội chiếm tỷ lệ 40% trong tổng số các loại hình thiên tai với mức trung bình từ 5-6 lần/năm. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam là nước đứng thứ 22 trên thế giới về quốc gia có thiệt hại về người do thiên tai gây ra. Thiệt hại về kinh tế chiếm khoảng 1% tổng GDP của năm, khoảng 40.000 tỷ đồng theo giá so sánh của năm 2014.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, là khung khổ pháp lý cao nhất trong việc tạo nguồn lực phòng chống thiên tai. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã xây dựng chiến lược về phòng, chống thiên tai. Luật Ngân sách quy định dự phòng ngân sách và dự trữ tài chính để sử dụng theo nhu cầu phòng, chống và khắc phục rủi ro thiên tai, trong đó quy định về việc thành lập Quỹ phòng chống rủi ro thiên tai nhằm mục tiêu chi hỗ trợ khẩn cấp cho thiên tai, chi phòng ngừa thiên tai.
Mưa lũ tại Quảng Bình đầu tháng 11 vừa qua. |
“Hệ thống tài chính hiện hành cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp trong khắc phục thiên tai, đảm bảo nhanh chóng ổn định sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp,” Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí nói.
Theo ông Olivier Mahul, Chuyên gia trưởng toàn cầu, Quản lý Chương trình Giải pháp tài chính rủi ro thiên tai (WB), chi phí kinh tế có thể chiếm từ 2%-3% GDP và làm hạn chế sự phát triển của Việt Nam. Nếu rủi ro này xảy ra, ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc khắc phục rủi ro thiên tai. Do đó, việc xây dựng và phát triển hệ thống tài chính mới trong quản lý rủi ro do thiên tai gây ra là cần thiết. Trong đó, giải pháp về bảo hiểm là công cụ hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý Giám sát bảo hiểm phi nhân thọ (Bộ Tài chính) - hiện chưa có các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai riêng biệt được cung cấp trên thị trường, trong khi rủi ro thiên tai được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai phổ biến như là rủi ro mở rộng trong các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và kỹ thuật. Kết quả thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tính đến ngày 31/12/2013 cho thấy có 350.712 số lượt tham gia bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là 394 tỷ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,8 tỷ đồng, và tổng số tiền bồi thường đã trả là 712,9 tỷ đồng.
Các giải pháp cơ chế, tài chính ngân sách hiện hành mới dáp ứng được khoảng 30% tổng thiệt hại hàng năm. Ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn khi xảy ra các thiên tai lớn cả về hỗ trợ khẩn cấp và tái đầu tư phụ hồi cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, mức độ thâm nhập của bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam còn rất thấp đối với tất cả các loại hình tài sản công, tài sản thương mại và tài sản dân cư.