Tỷ phú Trần Đình Long: Đừng thấy người ta ăn khoai mà vác mai đi đào
“Đừng thấy người ta ăn khoai mà vác mai đi đào” – Chủ tịch Tập đòan Hòa Phát Trần Đình Long ngụ ý về việc không tập trung vào lĩnh vực bất động sản bằng mọi giá và không phải doanh nghiệp thép nào cũng làm ăn có lãi.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. |
Trả lời các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra sáng 22/4, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát – cho biết, năm 2020 lĩnh vực bất động sản đóng góp lần lượt 4% và 6% vào doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát; lĩnh vực nông nghiệp đều đóng góp 12% doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, sản xuất thép vẫn là lĩnh vực chủ đạo, chiếm 84% và 82% doanh thu và lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.
Ước tính năm 2021 tập đoàn có thể đạt 140 nghìn tỷ đồng doanh thu, con số có thể đạt trên 200.000 tỷ đồng sau khi hoàn thành dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2.
Ông Trần Đình Long cho hay, một trong những chiến lược đa ngành của tập đoàn là bất động sản, bản thân ông và các lãnh đạo tập đoàn đã đi về các tỉnh, thành để tìm hiểu việc phát triển từ đầu cho các dự án.
“Chúng ta chỉ thực hiện M&A khi chắc chắn có lợi nhuận chứ không M&A bằng mọi giá” – ông Long nói.
Bày tỏ sự thận trọng trong việc mở rộng đối với lĩnh vực bất động sản, nhưng ông Trần Đình Long tỏ ra rất tự tin vào khả năng trụ vững của tập đoàn trước mọi sóng gió có thể xảy ra đối với thị trường thép.
“Hòa Phát có nền tảng rất mạnh nên nếu thị trường có gặp khó khăn thì Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp gặp khó khăn sau cùng, và sẽ đứng vững. Tôi xin phép không nhắc tên nhưng hiện nay có những doanh nghiệp thép đang thua lỗ dù chúng ta có lãi lớn. Có công ty thép lò cao như Hòa Phát nhưng đang đề nghị Hòa Phát mua lại” – ông Trần Đình Long nói.
Ông Long khẳng định với quy mô đầu tư lên đến 70.000 tỷ đồng cho dự án Hòa Phát Dung Quất 2, các ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, nên chắc chắn không cần phải phát hành trái phiếu để huy động tiền từ NĐT.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết đã đàm phán thành công với một cá nhân để bán công ty nội thất Hòa Phát với giá 500 tỷ đồng. Lý giải việc buông mảng nội thất vốn làm nên tên tuổi của Hòa Phát, ông Long cho hay nội thất đem lại doanh thu thấp và khó cạnh tranh nên Hòa Phát sẽ bán mảng nội thất bằng mọi giá. Đây là lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động, doanh thu mỗi năm từ 1.800 -2.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận cũng chỉ trên dưới 200 tỷ đồng.
Năm 2020, Hòa Phát tiếp tục xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 6,770 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 1,2 lần so với năm 2019. Trong đó, thép xây dựng chiếm 3,4 triệu tấn, phôi thép 1,77 triệu tấn, thép cuộn cán nóng 577 nghìn tấn, ống thép 822 nghìn tấn, và 175 nghìn tấn tôn mạ.
Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18 nghìn tỷ đồng.
HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông thông qua mức trích lập tối đa 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ khen thưởng phúc lợi trong năm 2021. Thù lao HĐQT tối đa 0,6% lợi nhuận sau thuế, Quỹ khen thưởng Ban điều hành (khoảng 400 người, từ cấp Trưởng phòng trở lên) tối đa 5% của phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch (khoảng 200 tỷ đồng).
Hiền Anh
Vượt qua Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam
Quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2 triệu tấn thép thô, tăng 60% so với cùng kỳ. Mức sản lượng này đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Hòa Phát hiện nằm trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.