Những thành công ban đầu trong chuyển giao công nghệ
Đã có rất nhiều những nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu thành công, cũng như chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những khó khăn trong việc nghiên cứu và hợp tác với các doanh nghiệp để vừa phát huy tiềm lực nghiên cứu, vừa phát huy dòng sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng, đồng thời có thể quay vòng tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm có tính ứng dụng khác để đưa đến người dân và doanh nghiệp.
Theo PGS-TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phụ trách lĩnh vực ứng dụng và triển khai công nghệ - Trong những năm qua, việc phát triển và chuyển giao công nghệ đã có những chính sách, từ đó Viện Hàn lâm đã có những hỗ trợ cho các đề tài phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm thương mại,… đây cũng là một sự đổi mới để hỗ trợ cho các nhà khoa học sau khi có nghiên cứu ban đầu.
“Chúng tôi phát triển theo hướng hội nhập, khuyến khích các nhà khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ, từ đó việc chia sẻ quyền lợi giữa doanh nghiệp, các Viện và nhà khoa học sẽ bài bản hơn. Cho đến nay lượng đăng ký sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chiếm đến 60% trong tổng số các đăng ký của các Viện, trường ĐH trên cả nước.” - PGS-TS. Chu Hoàng Hà nói.
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khuyến khích các nhà khoa học khi nghiên cứu ra được công nghệ thì chuyển giao cho các doanh nghiệp. Một ví dụ như TS. Hà Phương Thư – Trưởng phòng Nano y sinh – Viện Khoa học vật liệu đã khá thành công trong việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.
TS. Hà Phương Thư – Trưởng Phòng Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – là một nhà nghiên cứu trẻ được nhiều người biết đến trong vài năm gần đây. Năm 2017 bà lọt vào danh sách “50 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam” do Forbes Việt Nam bình chọn. Cũng trong năm 2017 bà Thư nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vì những đóng góp trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. .
![]() |
TS. Hà Phương Thư – Trưởng Phòng Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu. |
Hiện nay Phòng Nano y sinh do TS. Thư phụ trách đã nghiên cứu và chuyển giao thành công 3 dòng sản phẩm chính gồm: Sản phẩm nano trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng (đã chuyển giao cho Công ty cổ phần GoldHealth dùng điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư); Sản phẩm dưỡng chất nano cho cây trồng; và sản phẩm kháng sinh nano dùng trong việc phòng và chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm.
“Sản phẩm nano trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được chuyển giao cho GoldHealth được 4 năm và được các bệnh nhân ung thư phản hồi rất tích cực. Đối với sản phẩm thứ hai là dưỡng chất nano cho cây trồng được phát triển nhằm kích thích phát triển cho cây trồng cũng như phòng sâu bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một dòng sản phẩm nữa đã được nhóm nghiên cứu chuyển giao là kháng sinh nano, bao gồm kháng sinh thông thường và kháng sinh thực vật, dùng trong việc phòng và chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm.” – TS. Hà Phương Thư cho biết.
Theo TS. Hà Phương Thư có được kết quả nghiên cứu khoa học là một điều vinh dự nhà khoa học mình đã đóng góp được cho nền tri thức nhân loại. Nếu kết quả nghiên cứu ấy được ứng dụng vào thực tế, phục vụ đời sống người dân thì niềm vui ấy được nhân lên nhiều lần.
“Chính vì vậy nhóm nghiên cứu của chúng tôi luôn tâm niệm đã làm nghiên cứu thì cái đích cuối cùng phải hướng đến cộng đồng.” TS. Hà Phương Thư chia sẻ.
Thiếu quy định, quy chuẩn cho sản phẩm mới
Theo TS. Thư, sản phẩm chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm luôn là thách thức lớn với các nhà khoa học. Lý do là chúng ta đang thiếu những quy định, quy chuẩn cho sản phẩm mới. Các nhà khoa học cũng đang rất thiếu các điều kiện, đặc biệt là điều kiện tài chính để đưa sản phẩm ra thị trường.
“Bất kỳ sản phẩm mới nào ra thị trường cũng vấp phải tâm lý e ngại của khách hàng, vì vậy các nhà khoa học gặp không ít khó khăn. Dù hiện nay các nhà khoa học đã được tài trợ nhiều về tài chính, nhưng các chính sách hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phát triển, còn những nghiên cứu ứng dụng, khảo nghiệm, hoàn thiện công nghệ, … thì lại không có nhiều kinh phí.” – TS. Thư chia sẻ.
Thực tế, để hỗ trợ cho các nhà khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có những chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm hơn nữa. Đặc biệt là cấp cho các nhà khoa học các nguồn tài chính thiết thực để các nhà khoa học yên tâm phát triển công nghệ cũng như sản phẩm của mình.
Chia sẻ về điều này, TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN – cho biết, việc khởi nghiệp hay chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN khó bao nhiêu thì làm chính sách thúc đẩy thương mại hóa KHCN cũng khó bấy nhiêu. Đây là cách tiếp cận mới, gắn với kinh tế thị trường, do đó tư duy là điều quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học cũng như trong việc xây dựng chính sách.
“Quả thật chúng tôi còn rất nhiều việc để làm.” – TS. Phạm Hồng Quất nói. “Những cụm từ “thương mại hóa”, “chuyển giao công nghệ”, “khởi nghiệp sáng tạo” đã bắt đầu xuất hiện khoảng 5-6 năm nay trong một số bộ luật, từ Luật Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ DNNVV, và rất nhiều Nghị định của Chính phủ. Mục tiêu là để khi startup không có điều kiện có thể gọi vốn từ nhà đầu tư.”
Ngoài ra, còn có hình thức liên kết hợp tác, thực chất là góp cổ phần với nhau thông qua một công ty, giúp mang công nghệ đi và cùng với tập đoàn chia sản phẩm, hoặc chia tiền bản quyền thu về. Coi như đó là kết quả của quá trình thương mại hóa, sau đó chia cho các nhà khoa học.
Bộ KH&CN cũng cho phép tiếp cận theo hướng này và còn có quy định là bảo vệ tới 30% tiền thu lợi nhuận chia cho nhà khoa học. Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định 15% tiền bản quyền hay 10% từ tiền thanh toán dịch vụ phải được chia cho tác giả/nhà khoa học.
![]() |
TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN. |
Thế nhưng, ông Quất cho biết, trong thực tiễn chưa chắc đã tìm được những công ty chuyên nghiệp như thế. “Nhiều doanh nghiệp cũng háo hức đến để tài trợ, xin hợp tác, nhưng sau đó thì dòng tiền lại không quay trở về với các nhà khoa học. Đây là một lỗ hổng về chính sách mà tôi cho rằng cần phải khắc phục.” ông Quất nói.
Một rào cản nữa là thủ tục giải ngân cho những nghiên cứu được thương mại hóa không dễ, đôi khi làm nản lòng các nhà khoa học. Đó là khi những nhà quản lý tài chính vẫn quan niệm tài sản trí tuệ chẳng khác gì tài sản hữu hình đã được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong khi hầu như các nước tiên tiến trên thế giới, nhà nước thu lại một cách gián tiếp từ thuế và các lợi ích xã hội đem lại sau khi chuyển giao cho các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học, thậm chí là chuyển giao cho nhà khoa học.
“Việc đầu tư cho khoa học không phải là xây một cây cầu hay con đường để mà thu phí được ngay. Tư duy là rất quan trọng, nếu không thay đổi tư duy, không có tầm nhìn dài, không coi KHCN thực sự là một phương tiện bền vững để phát triển kinh tế tri thức thì tư duy ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến cơ chế chính sách.” – TS. Phạm Hồng Quất nói.
Với cơ chế hiện nay, người đang đại diện cho quản lý tài chính quyền sở hữu công của nhà nước vẫn muốn thể hiện quyền của mình là kiểm soát. Do vậy mới chỉ có “giao quyền” chứ chưa thể có “trao quyền”. Ông Quất cho hay hiện tài chính chỉ cấp cho việc đào tạo, chuyên gia hỗ trợ, truyền thông, chứ chưa cho phép cấp trực tiếp, trong khi các nước khác họ có thể cấp luôn vài triệu đến vài chục triệu USD cho một nghiên cứu.
Nguyễn Tuân
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận