Thị trường bia: Chưa Tết đã khan hiếm ảo
Xăng, gas tăng giá nhưng không ảnh hưởng đến chương trình bình ổn giá thị trường dịp Tết. Đó là khẳng định của bà Lê Ngọc Đào, Phó GĐ Sở công thương TPHCM tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bình ổn thị trường: Tháo gỡ khó khăn cung – cầu trong dịp Tết” diễn ra chiều 25/12 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
Bà Lê Ngọc Đào cũng cho biết : Năm nay nguồn hàng tăng khoảng 20 – 25% và ổn định về giá. Các doanh nghiệp bình ổn dù chịu tác động của giá xăng, gas thời gian qua nhưng nó không ảnh hưởng nhiều tới giá cả. Các mặt hàng bình ổn chúng tôi sẽ đảm bảo bình ổn trong 2 tháng, từ 1/1/2014 – 1/3/2014. Riêng các mặt hàng thiết yếu không thể thiếu (thịt, trứng) chúng tôi có chương trình giảm giá cho 3 ngày cận Tết. Người dân nên yên tâm không tăng giá.
Bà Đào cũng cho biết thêm, năm nay số DN tham gia tăng thêm so với năm ngoái với tổng nguồn vốn khoảng 1.900 tỷ đồng. Như năm nay TPHCM không còn ứng vốn mà theo hình thức địa phương phối hợp Ngân hàng cho vay theo hình thức thương mại. Thời gian các DN tham gia bán hàng bình ổn tại các thời điểm tước, trong và sau tết đều kéo dài. Năm nay các DN tham gia các chương trình ở TPHCM đều có cam kết bán hàng đến giáp 30 tết và mở cửa sớm, dẫn dắt thị trường tránh tình trạng tăng giá.
“Những mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thực phẩm chiếm đa số, có thể chi phối và ổn định được giá cả trên toàn địa bàn. Chúng tôi ưu tiên xét chọn các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng, có giấy chứng nhận để đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Giá của chương trình bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5 – 10%. Đến giờ này, chúng tôi có khoảng hơn 7.500 điểm bán cho cả 4 nhóm hàng hóa tham gia bình ổn, phủ kín địa bàn thành phố”, bà Đào chia sẻ.
Tuy nhiên đến thời điểm này, thịt lợn, gà, bò, bia …đã tăng mạnh trước tết vì có thông tin sốt giá do giới đầu cơ tạo ra tâm lý thiếu hàng, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ trước những thông tin không chính thống. Năm nay nguồn cung qua đánh giá vẫn đủ cầu. Khâu dự trữ của địa phương tương đối yên tâm. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau nếu có thiếu vẫn điều chuyển được. Đặc biệt cuối năm sẽ có chương trình giảm sâu cho người nghèo. Ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ sẽ giảm từ 6 đến 10 nghìn/kg thịt cho người dân và cố gắng điều tiết các mặt hàng thiết yếu. Qua báo cáo, những địa phương ở miền Trung chịu ảnh hưởng mưa bão cũng yên tâm về lượng hàng hóa phục vụ tết.
Về đồ uống, vừa qua, một số siêu thị còn tung ra thông báo “giới hạn” mặt hàng bia, mỗi người mua không quá 2 thùng. Ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội khẳng định, đây là khan hiếm giả. Bia, nước ngọt không nằm trong chương trình bình ổn giá nhưng công ty đã liên kết với các hãng nên sẽ không để xày ra tình trạng tăng giá, sốt hàng trong dịp tết.
Bà Lê Ngọc Đào cũng cho hay, bia không thể thiếu vì sản lượng đều tăng từ 20-30%. Để xử lý tình trạng sốt giá ảo thời gian qua sở đã mời các nhà SX công bố trước truyền thông. Đồng thời phối hợp với chi cục thuế cho kiểm tra các hệ thống phân phối bia, nước ngọt cấp I, nếu giá chênh lệch sẽ tiến hành truy thu. Sau 3 ngày giá bia đã được ổn định.