Thị trường bất động sản chững lại, vẫn có 22 doanh nghiệp ra đời mỗi ngày
5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 3.173 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mới được thành lập. |
Theo Tổng cục Thống kê, trong các ngành nghề kinh doanh được thành lập mới 5 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực kinh doanh bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất so với các ngành nghề khác.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 3.173 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mới được thành lập, chiếm 5,9% tổng số doanh nghiệp được thành lập mới và tăng 21% so với năm 2018, tương đương với 22 doanh nghiệp ra đời mỗi ngày. Con số này của 2018 là 2.623 doanh nghiệp, tương đương với khoảng 17 doanh nghiệp mỗi ngày.
Các ngành khác, như xây dựng mặc dù có tới 7,1 nghìn doanh nghiệp (chiếm 13,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới) nhưng cũng chỉ tăng 0,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tới 6,8 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới (chiếm 12,7%) cũng chỉ tăng 6%; hay ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có tới 4,5 nghìn doanh nghiệp được thành lập (chiếm 8,3%) cũng chỉ tăng 12,1%...
Tại diễn đàn Toàn cảnh thị trường bất động sản và tài chính Việt Nam diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản đầu năm 2019 đang có nhiều dấu hiệu chững lại, biểu hiện rõ nhất ở Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có thị trường bất động sản lớn nhất.
Cụ thể, tại Hà Nội, nguồn cung bất động sản giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại TP.HCM, nguồn cung sản phẩm bất động sản giảm tới hơn 50% so với đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, tín dụng cho bất động sản đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, quy mô tín dụng bất động sản đã giảm dần từ năm 2016 đến nay, đặc biệt giảm nhiều trong quý 4/2018. Dự đoán, tín dụng bất động sản sẽ còn được kiểm soát chặt chẽ hơn, với việc Ngân hàng nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, sẽ hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% hay tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỉ đồng trở lên. Những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản.
Thị trường chững lại, nguồn vốn tín dụng bị “siết” chặt hơn vậy không hiểu vì lý do gì mà doanh nghiệp bất động sản mới vẫn cứ “ùn ùn” ra đời?