Thép lo bị kiện bán phá giá tại Mỹ
Thép lo bị kiện bán phá giá tại Mỹ
Nhiều khả năng thép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ bị kiện chống bán phá giá Ảnh: IT |
Thông tin này được ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến Bộ Công thương tháng 10, diễn ra sáng 3/10.
Trước đó, vào tháng 6/2011, mặt hàng thép cuộn nguội của DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Indonexia cũng đã bị Ủy ban Chống bán phá giá nước này khởi xướng điều tra chống bán phá giá thị trường này do cho rằng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonexia tăng nhanh chóng nhưng giá bán lại thấp hơn so với mặt hàng cùng loại.
Theo ông Cường, thực tế mặt hàng thép mới được xuất khẩu vài ba năm nay do sản lượng thép của các DN sản xuất trong nước dư thừa, tiêu thụ nội địa sụt giảm, buộc các DN tìm cách xuất khẩu. Hơn nữa, giá thép xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện nay tương đối thấp, thị phần tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn nên ảnh hưởng đến thép sản xuất trong nước của các DN Mỹ. Đây là lần thứ 2, kể từ năm 2008 Hiệp hội Ống thép Mỹ gửi cảnh báo Việt Nam bán phá giá thép ống.
Chủ tịch Hiệp hội thép cho hay, trước mắt Hiệp hội đã thông báo tới tất cả các DN xuất khẩu cuộn cán nguôi, ống thép lưu ý về mặt giá cả, số lượng khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài để tránh kiện tụng không đáng có. "Dù sản phẩm chỉ tập trung ở một vài công ty, nhưng do đây là mặt hàng mới xuất khẩu nên hiện các DN thép đang rất lúng túng nếu cảnh báo của Hiệp hội ống thép Mỹ là có thực, bởi so với các ngành xuất khẩu khác, DN ngành thép còn khá ít kinh nghiệm "chinh chiến" trên thị trường quốc tế" – ông Cường nói và đề xuất Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) có những cảnh báo, hướng dẫn cụ thể nếu DN thép mắc phải vấn đề kiện tụng.
Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, 9 tháng kim ngạch xuất khẩu sắt thép tăng 64,6%, đạt hơn 1,17 tỉ USD, trong đó khoảng 720 triệu USD thu từ việc tái xuất lẫn xuất khẩu phôi thép và nguyên liệu cán nóng. Các DN sản xuất chỉ xuất khẩu khoảng 60.000 tấn phôi thép, trong khi tái xuất đến 319.000 tấn phôi thép. Hiện, lượng thép tồn kho trong nước vẫn đang ở mức cao, gần 500.000 tấn trong khi bình quân lượng tồn kho ở mức cho phép khoảng 250.000 tấn. Nhiều nhà máy thép chỉ vận hành 50-60% công suất, thậm chí phải ngừng sản xuất. Theo tính toán, mức lãi mà các DN thép phải trả đối với lượng hàng tồn kho này khoảng gần 150 tỷ đồng/tháng.
Nguyễn Hoài