Thêm cơ hội cho Doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng
Anh Nguyễn Mạnh Hà ở Cầu Giấy, Hà Nội kinh doanh máy tính và linh kiện điện tử 3 năm nay, doanh thu hàng tháng khá ổn định. Cuối năm ngoái, do muốn mở rộng kinh doanh, anh tìm đến một số nhà băng để vay tiền. Sau nhiều lần tìm hiểu, anh quyết định hoãn kế hoạch đầu tư.
Trong khi các mối tín dụng cá nhân lãi suất lên đến 3.000 đồng một ngày (cho một triệu đồng) thì tại ngân hàng dù thủ tục nhanh chóng, có hình thức tín chấp, nhưng áp lực trả nợ sớm khiến anh không dám mạo hiểm. "Tôi đành bỏ lỡ cơ hội kinh doanh lần này để dành dụm thêm tiền sau đó mới tính tiếp", anh nói.
Là chủ một cơ sở sản xuất hàng nông sản quy mô nhỏ, sẵn sàng đáo hạn đúng lịch nhưng chị Lê Thu Oanh (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng cảm thấy nản khi vay tiền ngân hàng.
Chị cho biết khi đến ngân hàng họ yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh, ngoài ra do 2 căn hộ - tài sản chị muốn thế chấp để vay vốn đang trong giai đoạn làm sổ đỏ nên không được tổ chức tín dụng chấp thuận. Do đó, ngân hàng gợi ý chị chuyển sang khoản vay tiêu dùng thay vì ưu đãi với lãi suất cao khiến chị khá băn khoăn.
Anh Hà và chị Oanh chỉ là hai trong rất nhiều chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp trở ngại về nguồn vốn vay tại ngân hàng. Hiện cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây cũng là đối tượng đóng góp 40% GDP mỗi năm và thu hút 51% lực lượng lao động cả nước.
Dù kinh doanh tốt, có tài sản nhưng vướng mắc về thủ tục, quy định vay chặt chẽ, thu hồi vốn quá nhanh... là thực tế khắc nghiệt tại các ngân hàng khiến hầu hết nhiều chủ doanh doanh nghiệp không xem đây là kênh huy động vốn hiệu quả.
Để khắc phục khó khăn kể trên, thời gian gần đây, một số ngân hàng thương mại cổ phần triển khai chính sách ưu đãi có đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ bằng hình thức thế chấp và tín chấp như Maritime Bank, VPBank, Indovina Bank (IVB), ACB... Tuy nhiên, mỗi tổ chức tín dụng có chính sách áp dụng khác nhau.
Như tại IVB, nếu doanh nghiệp chứng minh phương án sản xuất kinh doanh khả thi, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thì tỷ lệ chấp thuận cho vay không có tài sản đảm bảo tại ngân hàng này đạt 80-90% trên tổng mức vay.
Hay ở ACB, sau khi đánh giá, phân loại khách hàng, xác minh tài chính, kế hoạch sử dụng vốn vay hợp lý... doanh nghiệp sẽ được vay tín chấp với lãi suất tùy theo thời điểm và tiềm lực của doanh nghiệp, độ rủi ro của từng khoản vay.
Triển khai sản phẩm muộn hơn các ngân hàng khác, nhưng từ đầu năm ngoái VPBank cũng đã có những khoản giải ngân tín chấp đầu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng này đang tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ trong phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể vay thế chấp hoặc tín chấp nhanh tại ngân hàng, trong đó duyệt tín chấp chỉ trong 5 giờ và không cần đỏi hòi mức doanh thu tối thiểu. "Đây được xem là giải pháp tối ưu cho vấn đề tài chính dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ như chị công ty của anh Hà và chị Oanh", lãnh đạo VPBank cho hay.
Ngoài ra, VPBank còn đưa ra chương trình khuyến mại “Nhận lộc Bính Thân – Kinh doanh thịnh vượng” dành cho các doanh nghiệp SME đăng ký mới sử dụng một trong số các sản phẩm thẻ, tín dụng, tiền gửi và nhận được cơ hội du lịch đến Maldives, Hàn Quốc, Singapore cùng nhiều giá trị giải thưởng khác có tổng giá trị hơn 500 triệu đồng.