Thế khó của Mỹ trong kế hoạch rút lực lượng khỏi Trung Đông
Tổng thống Mỹ Biden mới đây đã quyết định rút một số lực lượng khỏi khu vực Vịnh Ba Tư, kế hoạch này sẽ làm Mỹ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Kế hoạch của Mỹ
Tờ Wall Street Journal mới đây đưa tin, theo một quan chức Mỹ giấu tên, Tổng thống Mỹ Biden đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc bắt đầu rút một số lực lượng và trang bị của Mỹ khỏi Vịnh Ba Tư.
Bố trí binh lực của Mỹ ở Trung Đông. Nguồn: people.com.cn |
Theo báo cáo, Mỹ đã rút ít nhất ba hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3, trong đó có một hệ thống được triển khai tại Căn cứ Không quân Prince Sultan ở Saudi Arabia. Báo cáo chỉ ra rằng tính đến cuối năm 2020, Quân đội Mỹ đóng tại Trung Đông có khoảng 50.000 quân, với việc bắt đầu quá trình rút quân, Mỹ sẽ giảm hơn nữa sự hiện diện quân sự ở khu vực.
Ngoài hệ thống phòng không, tàu sân bay và một số trang thiết bị trinh sát, giám sát cũng dần được chuyển từ Trung Đông sang các khu vực khác. Sau khi tàu sân bay Nimitz rời Vịnh Ba Tư vào ngày 1/2, Mỹ đã không còn tàu sân bay nào ở Trung Đông.
Nguyên nhân Mỹ rút quân
Có nhiều ý kiến khác nhau về kế hoạch rút quân của Quân đội Mỹ ở Trung Đông. Xét trên nhiều góc độ, nguyên nhân cụ thể có thể như sau:
Thứ nhất là, chuyển một phần sức mạnh quân sự sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tương lai gần, chi tiêu quân sự của Mỹ sẽ không còn tăng đáng kể. Trong khi đó, nếu Mỹ vừa phải đối phó với các mối đe dọa an ninh ở Trung Đông, cũng vừa phải tập trung nhiều nguồn lực hơn vào "cạnh tranh giữa các siêu cường", sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách của Mỹ.
Do vậy, điều chuyển lực lượng từ Trung Đông sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là biện pháp thiết thực để tiết kiệm ngân sách và duy trì chiến lược cạnh tranh nước lớn, cùng với đó cũng có thể gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại “miền đất hứa” mang tên châu Á – Thái Bình Dương.
Trước mắt, Mỹ có thể thực hiện các điều chỉnh dựa trên mức độ khẩn cấp của tình hình và quy mô lợi ích ở hai nơi, nhưng về lâu dài, để hiện thực hóa các tham vọng chiến lược hiện tại của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ nhất định phải hạn chế can dự vào các vấn đề của Trung Đông.
Kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Trung Đông còn nhiều khó khăn. Nguồn: people.com.cn. |
Thứ hai là, điều chỉnh chiến lược luân chuyển tàu sân bay. Nhiều thông tin cho rằng, Quân đội Mỹ sẽ xem xét lại hiệu quả chi phí của việc triển khai liên tục các nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực vùng Vịnh. Kể từ năm 2020, để đối phó với "sự hung hăng ngày càng tăng của Iran", hoạt động triển khai quân sự của Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, động thái này không những không đạt được hiệu quả răn đe mà còn mang đến áp lực to lớn đối với hoạt động sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ. Do vậy, Hải quân Mỹ đang xem xét áp dụng phương thức triển khai trong thời gian ngắn.
Ví dụ, các tàu sân bay đóng ở Thái Bình Dương và Châu Âu đã được chuyển đến và ở lại vùng Vịnh trong một thời gian ngắn. Đồng thời, Hải quân Mỹ có thể giữ lại các tàu chiến mặt nước nhỏ hơn ở Vùng Vịnh để duy trì sự hiện diện quân sự và đảm bảo an ninh hàng hải.
Thứ ba là, giảm việc triển khai tác chiến liên tục. Các đánh giá cho rằng, Quân đội Mỹ sẽ rút một số lực lượng tác chiến tấn công đã triển khai từ lâu khỏi Trung Đông và tăng tần suất tập trận đa phương. Quân đội Mỹ mong muốn thông qua các hoạt động đó để làm quen với nhiều môi trường tác chiến mới, chuyển đổi mô hình tác chiến và duy trì khả năng tác chiến ở Trung Đông.
Đối với các đối tác chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, việc gia tăng hợp tác khu vực sẽ giúp tăng cường sức mạnh quân sự của chính họ, trong khi đó các cuộc tập trận chung cũng sẽ cho phép Mỹ thường xuyên tăng cường khả năng răn đe tiền phương.
Thứ tư là rút binh lính ra khỏi căn cứ. Mỹ có thể giảm số lượng binh lính trong Bộ Tư lệnh Trung Đông nhiều nhất có thể trong 10 năm tới. Những tiến bộ hiện nay trong công nghệ thông tin làm cho Mỹ có thể giám sát chiến trường theo thời gian thực, và Quân đội Mỹ không cần triển khai một số lượng lớn nhân viên ở tiền tuyến.
Rút quân có thể giảm bớt các nhiệm vụ trùng lặp trên chiến trường. Ngoài ra, Mỹ hiện có hàng chục nghìn binh sĩ và thân nhân của họ đóng quân ở vùng Vịnh. Việc rút quân sẽ làm giảm mối đe dọa của Iran đối với cuộc sống của thân nhân binh lính.
Thế khó của Mỹ
Trong bối cảnh hiện nay, kế hoạch rút quân của Mỹ ở Trung Đông đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Một mặt, Mỹ có nhiều lợi ích ở Trung Đông. Khu vực Trung Đông từ lâu đã liên quan đến các lợi ích chiến lược quan trọng của Mỹ. Ở góc độ quân sự, các tổ chức khủng bố do "Nhà nước Hồi giáo" đại diện vẫn đang hoạt động mạnh, với các hoạt động thường xuyên ở các quốc gia như Syria, Lebanon và Iraq, Mỹ vẫn cần duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể trong khu vực.
Từ quan điểm kinh tế, Mỹ với tư cách là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhập khẩu phần lớn dầu từ Trung Đông. Điều quan trọng đối với Mỹ là đảm bảo giá dầu ổn định và các tuyến đường vận chuyển an toàn.
Từ góc độ chính trị, một mặt, Mỹ phải thực hiện các nghĩa vụ an ninh đối với các đồng minh, duy trì ổn định khu vực và duy trì ảnh hưởng của mình, đồng thời cũng phải kiềm chế Iran. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông không phải là điều dễ dàng.
Mặt khác, mặc dù các hoạt động quân sự thường xuyên của Mỹ ở nước ngoài và chi tiêu quân sự cao ở nước ngoài có lợi cho một số ít các chính trị gia và đại gia vũ khí của Mỹ, nhưng chúng lại gây tổn hại đến lợi ích của đại đa số người dân Mỹ và đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy thoái và tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc giảm quân ở Trung Đông chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ và thúc đẩy của người dân Mỹ. Tuy nhiên, nền tảng thống trị của Mỹ ở Trung Đông đã bị lung lay và ảnh hưởng, quyền kiểm soát và định hình của nước này trong khu vực đang suy giảm.
Ngay cả khi Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự hiện tại ở Trung Đông, thì vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề Palestine-Israel, và vấn đề chống khủng bố vẫn rất phức tạp. Do vậy, nếu Mỹ muốn rút quân mà vẫn duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông, có thể nói là mộng tưởng “được cả cá lẫn gấu”.
Những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Ukraine Zelensky
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky vừa có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong đó ông Zelensky khẳng định việc Ukraine trở thành thành viên của khối quân sự này là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Donbass.
Đức Trí (lược dịch)