Từ thương vụ S-400 của Nga – Thổ, cuộc khủng hoảng nội bộ NATO càng hiện rõ
Từ thương vụ mua bán S-400 của Nga – Thổ và tới nay là cuộc chiến chống dịch bệnh, sự lục đục trong nội bộ NATO càng hiện rõ.
Sputnik đưa tin, theo nhà bình luận chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Gaffar Yakinca, dù Thổ Nhĩ Kỳ là một trong vài nước thành viên NATO hỗ trợ y tế cho các quốc gia khác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhưng điều này vẫn không thể ngăn Mỹ gia tăng sức ép với thương vụ mua S-400. Cũng theo ông Yakinca, chính thương vụ mua bán S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm lộ rõ cuộc khủng hoảng của NATO, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Hôm 20/4, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra tuyên bố Mỹ có thể áp dụng Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA) với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu nhưAnkara nhất quyết triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất trên lãnh thổ quốc gia.
“Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh ở mức độ cao nhất rằng, hoạt động chuyển giao S-400 đang là vấn đề nằm trong cân nhắc trừng phạt chiểu theo CAATSA và đây chính là vấn đề gây cản trở chính cho quan hệ song phương Mỹ - Thổ và NATO. Chúng tôi tự tin rằng, Tổng thống Erdogan và các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ hiểu về quan điểm của chúng tôi”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus trả lời qua email.
Theo nhà bình luận Yakinca, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là “không thể chấp nhận được và không đúng lúc” bởi cả thế giới đang tập trung vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.
“Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và Mỹ mà cụ thể liên quan tới vấn đề an ninh đã nảy sinh những bất đồng nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vạch ra lối đi riêng và quyết đi theo con đường đó. Song hướng đi của Thổ Nhĩ Kỳ lại khiến Mỹ không hài lòng và tình hình này sẽ tiếp tục diễn ra kể cả sau dịch bệnh. Như tôi thấy, những lời đe dọa của Mỹ liên quan tới thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị Ankara phớt lờ. Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, sức ép và những lời đe dọa của Mỹ không thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ con đường đã chọn”, Sputnik dẫn lời chuyên gia Yakinca.
Hồi đầu tháng Ba, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố S-400 sẽ được đưa vào hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng Tư.
Còn theo một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên, việc cần thiết tập trung vào ngăn chặn dịch Covid-19 chỉ làm trì hoãn chứ không phải hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng không S-400 mới.
“Không có chuyện dừng quyết định kích hoạt hệ thống S-400 do tình hình dịch Covid-19. Kế hoạch triển khai S-400 đã được lên lịch vào tháng Tư, nhưng sẽ bị trì hoãn”, Reuters dẫn lời vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Lâu nay, Mỹ khẳng định hệ thống tên lửa S-400 được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2019, không tích hợp với các hệ thống phòng thủ của NATO. Ngoài ra, do Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ NATO và nước ngoài chống dịch
Cũng theo ông Yakinca, trong khi Mỹ tiếp tục đe dọa Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ lại nổi lên là một trong vài nước trong khối liên minh quân sự NATO tiến hành hỗ trợ y tế cho những quốc gia khác giữa cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ông Yakinca nhấn mạnh thêm, sự chậm chạp của liên minh quân sự NATO trong hoạt động chuyển hàng cứu trợ cho các nước thành viên cho thấy, NATO đang rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Mặc dù, NATO là một tổ chức quy mô lớn dồi dào nguồn nhân lực, nhưng sự hỗ trợ của liên minh quân sự với Italy dường như “vô hình”, theo ông Yakinca.
“Trong khi đó, các ngài có thể thấy những chiếc xe cứu thương của Nga chạy nhộn nhịp trên đường phố ở Italy. Cuộc khủng hoảng Covid-19 trở thành một cú đánh cực mạnh vào hình ảnh của NATO”, ông Yakinca nhận định.
Nhà bình luận Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm, Italy và Tây Ban Nha, hai quốc gia thành viên NATO chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, cũng đang trải qua những nỗi thất vọng như Ankara từng trải.
Theo ông Yakinca, phản ứng của NATO trước đại dịch Covid-19 đã chứng minh mức độ hoạt động kém hiệu quả của tổ chức này trước dư luận.
“NATO có thể huy động nguồn lực kinh tế và quân sự cần thiết, nhưng tổ chức này dường như không thể làm được vậy. Ngay cả khi chuyện này xảy ra, theo quan điểm của tôi, sẽ là vô cùng khó khăn cho NATO để lấp đầy khoảng cách do dịch bệnh tạo ra”, ông Yakinca nói thêm.
“Theo tôi, các khoản hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ không thể đại diện cho NATO bởi nó chỉ mang tính cá nhân và phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba lại đang là những nước dẫn đầu trong nỗ lực chuyển hàng hóa cứu trợ tới các vùng dịch. Như tôi biết, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ hỗ trợ cho các nước thành viên NATO. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được xem là nỗ lực nhân đạo chân thành”, ông Yakinca kết luận.
Minh Thu (lược dịch)