Trung - Ấn đồng thuận rút quân nhưng xung đột biên giới vẫn còn
Trung – Ấn đồng thuận rút binh sĩ khỏi vùng biên giới tranh chấp “theo từng đợt” nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.
Giới quan sát ngoại giao nhận định, thỏa thuận trên sẽ ngăn chặn xảy ra các vụ đụng độ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Trung - Ấn sẽ dừng điều động thêm quân tới dọc biên giới Himalaya cũng như nguy cơ đối đầu vẫn hiện diện.
Vào cuối ngày 1/7, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một nguồn tin thân thiết với lực lượng lính biên phòng Trung Quốc cho hay, Trung - Ấn đã đồng thuận thực hiện các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng ở những khu vực biên giới. Cũng theo nguồn tin, hoạt động rút quân sẽ được tiến hành “theo từng đợt”. Theo giới quan sát, điều này có nghĩa là hoạt động rút quân sẽ được triển khai theo các nhóm và ở những địa điểm khác nhau.
Binh sĩ Trung - Ấn đồng thuận rút quân theo từng đợt để hạ nhiệt căng thẳng biên giới. (Ảnh: PTI) |
Trước đó, hôm 30/6, Thiếu tướng Liễu Lâm, chỉ huy lực lượng quân sự Trung Quốc ở khu vực Nam Tân Cương đã gặp Trung tướng Harinder Singh, chỉ huy quân đoàn 14 lục quân Ấn Độ, tại Chushul, Ladakh để thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng biên giới. Đây là lần gặp thứ ba của hai tướng quân đội Trung - Ấn chỉ trong vòng 1 tháng. Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, các chỉ huy quân sự Trung - Ấn đã "đạt được một số tiến bộ" trong việc thực hiện các biện pháp hiệu quả rút bớt quân khỏi vùng tranh chấp cũng như hoạt động liên lạc chặt chẽ sẽ tiếp tục được hai bên tiến hành.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng bùng phát từ đầu tháng Năm trong quá trình binh sĩ hai bên tiến hành tuần tra dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Trong hai tháng qua, căng thẳng tranh chấp biên giới Trung - Ấn vẫn có chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với sự xuất hiện của nhiều cuộc ẩu đả dọc tuyến đường biên giới dài 3.400 km.
Chỉ huy quân sự hai nước từng đồng ý rút quân khỏi các điểm xung đột dọc LAC trong cuộc họp hôm 22/6, chỉ một tuần sau khi xảy ra vụ ẩu đả tại thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ con số thương vong sau sự việc.
Vụ ẩu đả ở thung lũng Galwan hôm 15/6 đã phá vỡ thỏa thuận mà trước đó tướng quân đội Trung - Ấn họp bàn lần đầu tiên vào ngày 6/6 về việc hai bên cùng rút quân.
Ông Sun Shihai, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, các vụ đụng độ đẫm máu và va chạm ở biên giới tranh chấp có thể tránh được nhờ hai bên đồng thuận rút quân, nhưng hai nước vẫn chưa đạt được một giải pháp chính trị để chấm dứt tình trạng đối đầu.
“Họat động tăng cường thêm quân tới vùng biên giới vẫn đang diễn ra và đối đầu ở khu vực tranh chấp vẫn sẽ tiếp diễn. Ấn Độ đang mua thêm vũ khí, còn Trung Quốc đang triển khai thêm khí tài tới vùng biên giới. Cả hai bên vẫn chưa thể giải quyết tranh chấp và họ vẫn không tin tưởng nhau. Cả hai bên vẫn lo ngại rằng bên còn lại sẽ có hành động nguy hiểm và sau đó họ sẽ phải hứng chịu tổn thất. Do đó, họ cho rằng cần rút bớt các binh sĩ ở tiền tuyến”, ông Sun chia sẻ.
Còn theo ông Lin Minwang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Fudan, tình trạng đối đầu giữa Trung - Ấn có thể kéo dài tới khi thời tiết trên dãy Himalaya buộc nó phải chấm dứt.
"Chưa có cách nào để hai bên xuống thang lập tức hoặc lùi bước. Điều duy nhất hai bên có thể làm là thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán", ông Lin nói.
Vụ đụng độ hôm 15/6 là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất giữa quân đội Trung - Ấn kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017. Địa điểm đối đầu cũng khiến Bắc Kinh vô cùng quan ngại, bởi nó nằm gần với hai khu tự trị là Tân Cương và Tây Tạng.
Ấn Độ điều vũ khí phản ứng nhanh tới vùng tranh chấp với Trung Quốc
Ấn Độ điều động thêm hệ thống phòng thủ phản ứng nhanh, giữa lúc dàn tiêm kích và trực thăng Trung Quốc liên tiếp xuất hiện gần khu vực tranh chấp biên giới.
Minh Thu (lược dịch)