Quốc gia tự tin không cần đổi cách chống dịch vẫn ngăn được biến chủng Omicron
Quan chức y tế Trung Quốc cho rằng, chiến lược "không ca nhiễm Covid-19" vẫn phù hợp để đối phó với biến chủng nguy hiểm mới xuất hiện Omicron.
Quan chức y tế cấp cao Trung Quốc nhấn mạnh, biến chủng mới Omicron có khả năng sẽ xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng các phương pháp xét nghiệm của nước này sẽ phát hiện được bất cứ trường hợp nào nhiễm bệnh và chiến lược “không ca nhiễm Covid-19” (zero-Covid) sẽ ngăn chặn được sự lây lan của biến chủng mới trong cộng đồng.
“Biến chủng Omicron không chỉ xuất hiện ở châu Phi, mà còn ở nhiều quốc gia khác ngoài châu Phi và có thể đang lây lan trong cộng đồng, điều này có nghĩa biến chủng có cơ hội cao đang xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc”, ông Xu Wenbo, người đứng đầu Viện Kiểm soát và Phòng chống các bệnh do virus thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) nói với CCTV hôm 29/11.
Trung Quốc tự tin duy trì chiến lược "không ca nhiễm Covid-19" để đối phó với biến chủng nguy hiểm Omicron. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Ông Xu khẳng định nhờ quá trình đặc biệt trong xét nghiệm Covid-19, biến chủng Omicron sẽ bị phát hiện.
Khi lấy mẫu nước bọt hoặc mẫu dịch mũi họng để xét nghiệm Covid-19, các chuyên gia tìm kiếm dấu hiệu cụ thể về vật liệu di truyền, để phát hiện sự tồn tại của virus corona trong cơ thể người bệnh, và tránh tình trạng âm tính giả.
Ông Xu cho hay, các phương pháp xét nghiệm ở Trung Quốc được dựa trên thiết kế riêng của CDC. Do đó, độ nhạy và chính xác của các xét nghiệm đối với biến chủng Omicron không bị ảnh hưởng.
“Các kit xét nghiệm ở Trung Quốc có thể phát hiện được biến chủng Omicron”, ông Xu nói.
Trong khi đó, WHO đánh giá biến chủng Omicron đang là mối đe dọa “cực lớn” với toàn cầu và là mối đe dọa lớn trong đại dịch Covid-19 do biến chủng Omicron chứa khoảng 50 đột biến mà trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Omicron hiện là biến thể nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2.
Với lượng đột biến nhiều bất thường, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vắc xin và miễn dịch tự nhiên hơn. Theo đó, Omicron được cho có thể lây lan nhanh hơn Delta 500%. Biến chủng Omicron có tên ban đầu là B.1.1.529 và xuất hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và Botswana.
Hiện còn quá sớm để khẳng định biến chủng Omicron có khiến người mắc bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng hơn so với người nhiễm các biến chủng trước.
Theo WHO, có 4 biến chủng đang được xếp vào nhóm đáng lo ngại gồm Alpha, Beta (lần đầu tiên được ghi nhận ở Nam Phi), Gamma và Delta. Ngoài ra còn có 2 biến chủng đáng quan tâm là Lambda và Mu.
Giáo sư Barry Schoub, người đứng đầu Ủy ban cố vấn về các loại vắc xin Covid-19 tại Nam Phi xác nhận biến chủng Omicron lây lan “rất nhanh” và số người nhiễm biến chủng này ở Nam Phi tăng từ mức dưới 300 ca/ngày lên hơn 3.200 ca/ngày chỉ trong vòng 10 ngày.
Trong khi đó, hãng BioNTech, Pfizer và Moderna cho biết họ đã sẵn sàng điều chỉnh các loại vắc xin hiện tại để đối phó với biến thể mới nếu cần thiết.
Hôm 29/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo CDC đã phát triển một phương thức xét nghiệm riêng cho biến chủng Omicron và đang tiến hành giám sát kiểu gene của virus để phát hiện các ca nhập khẩu tiềm tàng. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho hay, các biện pháp này sẽ hỗ trợ “phát hiện kịp thời” các ca nhiễm biến chủng Omicron.
Trong khi các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem liệu biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn hay không, hoặc né tránh được các loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng, nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng cho áp đặt lệnh hạn chế đi lại và nhập cảnh, cũng như thắt chặt các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng để ngăn nguy cơ dịch bệnh trỗi dậy.
Cụ thể, Nhật Bản, Israel và Morocco đã cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người nước ngoài và Australia cho hoãn kế hoạch mở cửa biên giới trong vòng 2 tuần.
Ông Xu cho rằng việc biến chủng Omicron có nhiều đột biến không có nghĩa là khả năng lây lan của nó cao hơn, hoặc có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch lớn hơn so với biến chủng Delta.
“Nhìn chung, biến thể Omicron vẫn là SARS-CoV-2 nên không có những sự thay đổi quá lớn”, ông Xu nói.
Cũng theo ông Xu, phương án đối phó hiện thời với dịch Covid-19 bằng cách ngăn chặn lây lan trong cộng đồng thông qua điều tra dịch tễ chi tiết, và giám sát kiểu gene đối với các ca nhập khẩu có thể ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron.
Ông Xu cho hay những nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc sẽ theo lộ trình, cùng với tăng cường tự giám sát và xét nghiệm đối với các nhóm nghề nghiệp có nguy cơ cao mắc bệnh. Ông Xu nói thêm, các biện pháp cảnh giác sẽ cần được thắt chặt hơn đối với những nghề nghiệp yêu cầu tiếp xúc với các nước có dịch, hoặc tại các khách sạn dùng làm cơ sở cách ly và tại sân bay liên quan tới các ca nhập khẩu.
Từ tháng 4/2020, Trung Quốc ghi nhận hơn 30 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong nước liên quan tới các ca nhập khẩu và hàng hóa nhập khẩu.
Lâu nay Trung Quốc dựa vào chiến lược “không ca nhiễm Covid-19” để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Cụ thể, Trung Quốc cho thi hành biện pháp ngăn dịch lây lan trong cộng đồng sớm nhất có thể bằng cách hạn chế đi lại, phong tỏa, xét nghiệm diện rộng, cách ly cùng nhiều phương án phòng dịch khác.
Ngoài ra, NHC tiếp tục khuyến cáo người dân Trung Quốc đeo khẩu trang cả ở trong nhà và di chuyển trên các phương tiện giao thông, dù họ đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19 đầy đủ, hoặc đã tiêm mũi tăng cường. Bởi hiện tại, đeo khẩu trang vẫn là phương án hiệu quả nhất để ngăn chặn virus corona lây lan.
NHC đồng thời yêu cầu người dân Trung Quốc tránh đi ra nước ngoài trừ trường hợp “cực kỳ cần thiết”.
Thế giới có cần vắc xin Covid-19 mới để chống lại biến chủng Omicron?
Biến chủng Omicron được cho lây lan nhanh hơn cả Delta khiến các hãng sản xuất vắc xin Covid-19 tính tới chuyện nâng cấp vắc xin để phòng bệnh.
Minh Thu (lược dịch)