Mỹ - Nhật diễn tập đánh chiếm đảo ở biển Hoa Đông
Mỹ và Nhật Bản mới đây đã diễn tập đánh chiếm đảo ở biển Hoa Đông với kịch bản nhằm vào Trung Quốc.
Theo báo cáo của Wall Street Journal, Thủy quân lục chiến Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản gần đây đã tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo ở Nhật Bản, nhằm nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng đối phó với những thách thức từ Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Kịch bản giả định của cuộc diễn tập là Nhật Bản và “đối thủ” xảy ra xung đột tranh chấp đảo ở biển Hoa Đông. Mỹ nhanh chóng hỗ trợ Nhật Bản đối phó với cuộc xung đột này.
Theo báo cáo, Thủy quân lục chiến Mỹ trong những năm gần đây đang chuẩn bị cho một đối thủ lớn hơn và tinh vi hơn. Những tiến bộ của Trung Quốc về vệ tinh quân sự, hoạt động không gian mạng và trí tuệ nhân tạo đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Lầu Năm Góc.
Hải quân Mỹ và Nhật Bản thời gian qua tăng cường hợp tác ở biển Hoa Đông. Nguồn: Sina. |
Trong cuộc tập trận gần đây, hàng chục lính thủy đánh bộ Mỹ đã đổ bộ xuống địa điểm diễn tập bằng hai trực thăng CH-47, trong khi các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đổ bộ bằng hai máy bay vận tải Osprey.
Nhiệm vụ của lực lượng này là bí mật vượt qua tầm hỏa lực của kẻ thù và đánh chiếm cảng quan trọng. Cuộc tập trận này phản ánh sự chú trọng của Quân đội Mỹ vào các hoạt động chỉ huy và tác chiến phân tán, mục đích là khiến đối phương khó xác định vị trí và tổ chức các cuộc phản công.
Trung tâm chỉ huy của cuộc tập trận lần này được tạo thành từ 3 xe bọc thép, có thể di chuyển hoặc triển khai trong vòng vài phút nên rất khó theo dõi.
Trước đó, tháng 12/2020, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng bằng máy tính, khoa mục chủ yếu là phối hợp hiệp đồng giữa cá trung tâm chỉ huy của Thủy quân lục chiến và trung tâm chỉ huy của lực lượng Nhật Bản trong tác chiến phân tán.
Theo kế hoạch, tháng 5/2021, Lực lượng Phòng vệ bờ biển của Nhật Bản và lực lượng hải quân Pháp và Mỹ sẽ lần đầu tiên có cuộc diễn tập chung trong phòng ngự và đổ bộ chiếm đảo ở Biển Hoa Đông.
Cuộc diễn tập này dự kiến sẽ diễn ra ở vùng biển gần Quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Diễn tập với sự tham gia của đội tàu hậu cần của lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo của Nhật Bản, tàu chiến của hải quân và lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, đội tàu huấn luyện Jeanne d’Arc của hải quân và lực lượng lục quân Pháp đang đồn trú tại Polynésie.
Thời gian qua, Mỹ không ngừng lên tiếng ủng hộ Nhật Bản trong việc tranh chấp chủ quyền Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Người đứng đầu lực lượng Mỹ tại Nhật Bản ông Kevin Schneider từng tuyên bố, Quân đội Mỹ có thể đến bảo vệ quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.
Trong một tuyên bố hồi tháng 7/2020, tướng Kevin Schneider nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết 100% sẽ giúp Nhật Bản giải quyết tình hình ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hỗ trợ suốt 365 ngày trong năm, 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần". Ông Schneider cho biết Mỹ có thể giúp theo dõi các hoạt động xâm nhập của các tàu Trung Quốc quanh các đảo trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát.
Đặc biệt, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia tháng 11/2020, Tổng thống đắc cử Mỹ ông Biden đã đưa ra cam kết bảo vệ "quần đảo Senkaku" của Nhật Bản.
Theo hãng tin Kyodo News, ông Biden khẳng định sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền, theo Hiệp định an ninh song phương ký năm 1960.
Điều 5 của Hiệp định quy định Washington có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản nếu đồng minh bị tấn công. Cựu Tổng thống Barack Obama là lãnh đạo Mỹ đầu tiên tuyên bố Hệp ước này áp dụng đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Chi phí cho lễ nhậm chức tổng thống Mỹ là bao nhiêu?
Chỉ còn vài tuần nữa, lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ diễn ra. Sự kiện lớn này là biểu tượng chuyển giao quyền lực tổng thống một cách hòa bình tuy nhiên nó khá tốn kém.
Đức Trí (lược dịch)