Giá lương thực toàn cầu đạt mức cao kỷ lục
Guardian đưa tin, giá lương thực thế giới trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Theo báo cáo hàng tháng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), giá dầu thực vật, ngũ cốc và thịt đạt mức kỷ lục khiến giá lương thực tăng thứ 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Xung đột Nga-Ukraine đã làm suy yếu hoạt động xuất khẩu các mặt hàng quan trọng từ khu vực Biển Đen, nơi sản xuất hơn 1/4 tổng lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Theo các chuyên gia, hoạt động quân sự đặc biệt của Nga đã góp phần khiến giá ngũ cốc tăng 17% trong tháng qua và việc đóng cửa các cảng đã dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu lúa mì và ngô từ Ukraine.
Ngoài ra, xuất khẩu của Nga cũng chậm lại do các vấn đề tài chính và vận tải. Giá lúa mì thế giới tăng 19,7% trong tháng 3 và ngô tăng 19,1% lên mức cao kỷ lục cùng với lúa mạch.
Giá lương thực toàn cầu đạt mức cao kỷ lục. (Ảnh: AP) |
FAO cho biết, những vấn đề này có khả năng tiếp diễn, dẫn đến giá cả cao hơn, dự trữ thấp hơn và thị trường lúa mì không chắc chắn trong tương lai.
“Vấn đề tăng giá cả là đáng chú ý nhất ở các quốc gia nơi tỷ trọng thu nhập chi cho thực phẩm là cao. Ở những quốc gia này, những người dễ bị tổn thương nhất có khả năng bỏ bữa, mua thực phẩm ít dinh dưỡng hoặc sử dụng các chiến lược đối phó khác gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe và tinh thần của người dân”, người phát ngôn FAO cảnh báo.
Ông Joseph Glauber, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI), lưu ý rằng trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, giá cả đã gần mức cao kỷ lục do thiếu nguồn cung trên toàn thế giới.
Theo chuyên gia này, giá thực phẩm có thể biến động ở khắp mọi nơi. Các quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine có thể cần chuyển sang nguồn cung lúa mì từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Canada và Argentina.
“Nhiều quốc gia trong số này nằm ở Bắc Phi và Trung Đông, nơi lúa mì thường chiếm tới 35% tổng lượng calo tiêu thụ và phần lớn lúa mì được nhập khẩu chủ yếu từ các nước Biển Đen”, ông Glauber nhấn mạnh.
Theo Guardian, khu vực Biển Đen cũng là nguồn cung cấp dầu hướng dương chính và các hạn chế xuất khẩu đã đẩy giá tăng gần 1/4 kể từ tháng Hai. Bên cạnh đó, giá dầu cọ, đậu nành và hạt cải dầu cũng tăng do nhu cầu tăng cao.
Trước đó, lần cuối cùng giá lúa mì tăng vọt lên mức này là vào năm 2007 và 2008 do sản lượng sụt giảm nghiêm trọng ở các nước sản xuất hàng đầu như Australia và Nga, các cuộc biểu tình đã lan rộng qua gần 40 quốc gia từ Haiti đến Bờ Biển Ngà, trong khi giá ngũ cốc tăng vọt vào năm 2009-2010 được coi là một trong những tác nhân gây ra các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập ở Trung Đông.
Nga chiếm 2/3 lượng lúa mì nhập khẩu của Ai Cập. Các nhà chức trách Ai Cập cho biết, tồn kho lúa mì của họ sẽ kéo dài đến giữa tháng 6 và vụ thu hoạch địa phương của Ai Cập sẽ bắt đầu vào giữa tháng 4.
Các nhà phân tích cho rằng, không rõ cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu và một thực tế cho thấy nhiều yếu tố đang thúc đẩy giá cả tăng cao.
Tim Worledge tại Agricensus, cơ quan định giá và dữ liệu nông nghiệp cho biết: “Thị trường đang lo lắng rằng đây không phải là vấn đề sẽ sớm được giải quyết”.
Thanh Bình (lược dịch)
Những tỷ phú tiền điện tử giàu nhất thế giới
Bất chấp những thăng trầm của tiền kỹ thuật số, lĩnh vực này không thiếu tiền - các tỷ phú có thể kiếm tiền từ thị trường tiền điện tử ước tính khoảng 2 nghìn tỉ USD.
‘Sốc’ với tài sản của 10 người phụ nữ giàu nhất thế giới
Dẫn đầu danh sách những người phụ nữ giàu nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại một lần nữa thuộc về người thừa kế của đế chế mỹ phẩm L'Oréal của Pháp, bà Francoise Bettencourt Myers.